Trải qua 4000 năm văn hiến và hàng chục triều đại, Việt Nam có vô số khai quốc công thần đi vào lịch sử. Xưa có câu, gần vua như gần cọp, không ít người cho rằng chẳng thế mà khai quốc công thần cũng là một trong những "nghề" khó làm nhất trên đời.
Khai quốc công thần là danh từ dùng để chỉ các quan viên có công phò tá một vị quân vương từ thuở ban đầu và cùng xây dựng nên triều đại mới. Tuy gắn bó cùng bậc cửu ngũ chí tôn và trải qua bao gian truân sóng gió cùng nhau, thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ có thể nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ vua.
Thân là khai quốc công thần và được người người nể trọng, nếu không khôn khéo hoặc xui rủi bị kẻ gian hãm hại, họ sẽ trở thành đối tượng hàng đầu bị vua nghi kỵ, đôi khi còn đi đến kết cục bi thảm khiến hậu thế tiếc thương.
Ví như Lê Văn Duyệt – người được xem là đệ nhất khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Dưới thời vua Gia Long, ông hưởng những đặc ân mà không phải ai cũng có được, bao gồm: "nhập triều bất bái", tức vào chầu vua không cần phải lạy và "tiền trảm hậu tấu" nơi biên thùy, tức có quyền chém trước rồi trình báo với vua sau.
Là nhà chính trị và quân sự tài ba, trong thời gian làm Tổng trấn Gia Định, ông đã góp công lớn giúp khu vực này ổn định và phát triển. Công danh vượt bậc là thế nhưng mấy ai ngờ, Lê Văn Duyệt lại chịu tiếng oan và bị hạch tội sau khi mất.
Do thường xuyên có xung đột với nhà vua (căn nguyên rất có thể đến từ việc ông phản đối Minh Mạng lên ngôi mà chỉ ủng hộ hoàng tử Cảnh), thêm vào xuất thân vốn con quan võ nên tính tình Lê Văn Duyệt cũng khá nóng nảy, đôi khi bất đồng quan điểm lại không biết khôn khéo, lựa lợi nể mặt vua. Ngoài ra ông còn được cho là đã ủng hộ việc truyền đạo Thiên Chúa giáo - điều này trái ngược hoàn toàn với ý Minh Mạng, lại thêm việc ông có quyền không lạy Minh Mạng khi vào chầu.
Ngần ấy nguyên do gộp lại khiến Minh Mạng không mấy ưa thích vị khai quốc công thần này, nhưng do vị thế và công lao của ông quá to, vua cũng đành nhẫn nhịn. Mãi cho đến khi cuộc nổi dậy của người con nuôi Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi bị đàn áp, Minh Mạng mới bắt đầu ra tay.
Tuy khi ấy Lê Văn Duyệt đã qua đời nhưng ông vẫn bị truy tội, mộ ông bị cho san bằng, trên đó dựng bia đá chịu tội. Đến tận đời vua Thiệu Trị án oan này mới được lật lại, Lê Văn Duyệt được phục hồi danh dự.
Một khai quốc công thần khác của nhà Nguyễn cũng chịu cái chết tức tưởi không kém là Nguyễn Văn Thành. Bị ganh ghét do có công trạng vượt bậc, con trai lại là phò mã của vua Gia Long. Trong một lần viết thơ, con trai ông bị kẻ gian thêu dệt, bịa đặt bài thơ có hàm ý muốn phản loạn, truất ngôi vua. Dù đã nỗ lực kêu oan nhưng Gia Long lại không thèm nghe, kết quả Nguyễn Văn Thành bị bức phải uống thuốc độc tự sát trong ngục, còn con ông bị xử án chém.
Ngược dòng về thời nhà Lê, thảm án của 3 khai quốc công thần nổi tiếng là Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Ngân hẳn cũng khiến nhiều người rợn tóc gáy. Gắn bó với nhau từ khởi nghĩa Lam Sơn, thế nhưng cuối đời Lê Lợi lại tin lời gièm pha, nghi kị Trần Nguyên Hãn có mưu phản loạn nên cho người đến bắt bớ. Tuyệt vọng vì vua không tin mình, ông phẫn uất khấn trời kêu oan rồi nhảy sông tự sát. Có sách chép sau khi ông kêu oan, gió to làm lật thuyền nên không riêng gì ông mà cơ số những người trên thuyền cũng đều chết).
Trong khi đó Huyện thượng hầu Lê Sát có đôi phần giống Lê Văn Duyệt khi quyền uy quá cao nhưng tính tình lại không kiềm chế tốt. Lê Sát cũng xuất thân võ tướng nên quen thói ăn nói bộc trực, dễ gây mất lòng khiến lắm kẻ trong triều ganh ghét, ngay cả vua cũng thấy không hài lòng. Đến thời cơ, vua bàn với cận thần lên kế hoạch hạ bệ ông, lúc ấy Lê Sát lại không biết lựa lời khiến Thái Tông thêm phần bực tức nên cho bãi chức.
Sau nhiều biến cố liên quan sau đó, ông bị khép tội chuyên quyền, trái đạo làm tôi nên bị buộc tự sát tại nhà. Đồng cảnh ngộ bị bức tử với ông còn có Đại đô đốc Lê Ngân, sau khi Lê Sát mất chức, Lê Ngân là người lên thay. Cứ tưởng được lòng đế vương và bình an từ đây, ai dè chưa đầy nửa năm sau ông bị kẻ gian tố giác và buộc phải tự sát tại nhà theo lệnh vua.
Có thể thấy, làm khai quốc công thần là nghề không mấy dễ làm. Uy danh hơn người, quyền lực hơn người cũng đồng nghĩa với việc, xác suất rơi đầu của họ cũng… hơn người.
0 comments: