Với nhiều năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực tham vấn trị liệu, hàng ngày tiếp xúc với vô vàn người gặp khó khăn trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy tác giả Richard Nicholls đã lên ý tưởng, cho ra đời cuốn sách.
Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất cảm xúc, lý do đằng sau cảm xúc tiêu cực xảy đến hàng ngày. Hiểu về cách cân bằng cảm xúc, từ đó thiết lập cuộc sống lành mạnh, giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
Cuốn sách dành cho ai?
Cuốn sách có thể hữu ích với những bạn đang ở trong giai đoạn nhiều u sầu, căng thẳng, cảm thấy không hạnh phúc. Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông có thể giúp bạn đọc tập hiểu về trạng thái cảm xúc của mình bằng chia sẻ chân thực, hữu ích tác giả liên quan về cảm xúc, tâm lý hành vi.
Nội dung trong cuốn sách xoay quanh những câu chuyện và vấn đề của các bệnh nhân được Richard Nicholls tư vấn, bao gồm những ý tưởng cùng những bài luyện tập nhỏ hàng ngày giúp bạn đọc áp dụng sau khi đọc từng phần trong sách.
Cuốn sách là người bạn nhỏ truyền cảm hứng bạn sống cuộc đời nhẹ nhàng, hạnh phúc hơn.
Mình sẽ chọn viết lại những quan điểm, chia sẻ mình tâm đắc nhất trong cuốn sách nhé.
Hạnh phúc là một khái niệm rất chủ quan
“Có người định nghĩa nó là sự kiêu hãnh, người khác xem nó là sự hài lòng. Nhưng theo định nghĩa chung, hạnh phúc đơn giản là sự kết hợp giữa tâm trạng vui vẻ trong ngày và cảm giác thỏa mãn của bạn với toàn bộ cuộc sống.”
Mình hoàn toàn đồng ý với chia sẻ của tác giả.
Mẹ mình từng nói rằng, hạnh phúc của bà là nhìn thấy anh em tụi mình lập gia đình, có cuộc sống ổn định vậy là mẹ hạnh phúc.
Em gái mình từng nói, hạnh phúc của em là có thể kiếm tiền mua được chiếc túi và những bộ quần áo có thương hiệu và xịn sò.
Chị gái mình, hạnh phúc của chị là những chuyến đi, cuộc sống ổn định và có được thu nhập tốt.
Bản thân mình, khái niệm hạnh phúc đã có nhiều thay đổi trong những năm tháng qua, năm 20 tuổi hạnh phúc của mình là một cuộc sống thảnh thơi và đi khắp nơi. Nhưng giờ đây hạnh phúc của mình lại là được sống và làm việc tại nhà, có thời gian để đọc sách, tận hưởng cuộc sống yên bình trôi qua từng ngày.
Hạnh phúc đúng là một khái niệm rất chủ quan, mỗi người mỗi định nghĩa, mỗi cảm nhận. Ở từng thời điểm định nghĩa về hạnh phúc của chúng ta có thể sẽ thay đổi.
Đôi khi một điều nhỏ bé khiến cho bạn hạnh phúc, với người khác thì không và ngược lại, có những điều khiến người khác hạnh phúc, còn bạn không cảm nhận được, điều đó hoàn toàn bình thường. Chỉ cần bạn biết rõ đâu là điều khiến bạn hạnh phúc vui vẻ, hãy chọn làm, chọn sống vì nó. Đó mới là điều quan trọng.
Thay vì phê phán hãy chọn lắng nghe nhà phê bình nội tâm
“Tiếng nói trong nội tâm của chúng ta không phải dấu hiệu của bệnh lý tâm thần - trong chúng ta đều có những cuộc đối thoại nội tâm kéo dài cả ngày. Đôi khi đó là lời khích lệ, nhưng đôi khi không phải”
Tất cả chúng ta đều có một nhà phê bình nội tâm siêng năng và cần mẫn. Nhà phê bình nội tâm giúp ích chúng ta rất nhiều trong việc động viên, khích lệ tinh thần hay chỉ ra những sai sót trong lời nói, hành động trong cuộc sống hàng ngày.
Nhưng cũng có những lúc nhà phê bình nội tâm thường trở nên gay gắt, phê phán những điều không thật về bản thân, mục đích ngăn chúng ta đến với điều cần làm vì nỗi sợ, sự bất an.
Bạn bắt đầu đi xin việc làm, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới với kinh nghiệm trước đây. Lúc này nhà phê bình nội tâm sẽ liên tiếng, ngăn không cho bạn ứng tuyển với những câu nói kiểu “mình cũng có tài cán gì đâu mà đòi ứng tuyển, chắc chắn sẽ không được nhận…” Lúc này nếu bạn để nhà phê bình nội tâm lấn lướt, bạn sẽ cảm thấy nhụt chí và chán nản, nhưng cũng đừng tham gia cuộc tranh cãi với nhà phê bình nội tâm.
Hãy thử lắng nghe xem tiếng nói ấy có ý nghĩa gì, có phải nội tâm bạn chỉ đơn thuần muốn bảo vệ bạn khỏi những nỗi sợ, bất an cho những điều bạn chưa từng trải nghiệm hoặc đã vấp ngã trong quá khứ.
Khi hiểu được ý nghĩa của tiếng nói nội tâm, thay vì chống trả với những cảm xúc dẫn đến mệt mỏi, bạn hãy tìm hiểu xem, đằng sau tiếng nói là niềm tin nỗi sợ tồn tại trong bạn và tìm cách giải quyết.
Richard Nicholls làm rất tốt trong việc phân tích và chia sẻ những góc nhìn khoa học về nhà phê bình nội tâm trong tâm trí con người. Điều này sẽ giúp bạn thấu hiểu và nhận diện đúng đắn hơn về nhà phê bình nội tâm hiện diện bên trong bạn.
Hãy yêu thương bản thân thay vì “đánh đập”
Bạn có thường xuyên nói với bản thân những câu như thế này:
“Mình thật vô dụng.”
“Thử soi lại cái bản thân mình xem, giống hết một miếng bánh nho khô xấu xí.”
“Mình chỉ là một người thừa.”
“Mình chẳng ra làm sao cả.”
Không dễ để thừa nhận, không phải ai khác, mà chính chúng ta mới là người ngược đãi bản thân mình nhiều nhất. Mỗi ngày ta không ngừng soi xét, phán xét bản thân vì những khuyết điểm, những điểm chưa ưng ý.
Chẳng biết đến khi nào chúng ta mới ngừng việc tra tấn, tự hành hạ, bản thân nhiều đến vậy?
Đến khi nào chúng ta thực sự yêu thương, nhẹ nhàng với chính mình, ngay cả khi bản thân mắc lỗi, không hoàn hảo và thất bại?
Liệu chúng ta có đủ can đảm để yêu thương và chấp nhận bản thân một người không hoàn toàn giống như tiêu chuẩn chung của xã hội, nhưng vẫn đang thực sự đặc biệt theo cách riêng.
“Cách tốt nhất để giữ cho một thứ khỏe mạnh là chăm bẵm, chứ không phải đánh đập.”
Đúng vậy, cách tốt nhất để có yêu thương là hãy dành cho bản thân những lời động viên, an ủi khích lệ, chứ không phải bằng cách dày vò bản thân bằng những lời lẽ nặng nề.
Sống một cuộc đời bớt căng thẳng hơn
“ Hãy sống một cuộc đời bớt căng thẳng hơn. Một cuộc sống không có sự tập trung quá lớn vào các mục tiêu. Một cuộc sống gần như không khao khát một điều gì.”
“Chắc chắn rồi, hãy cứ mua một chiếc ô tô mới mỗi năm nếu bạn muốn, nhưng đừng khao khát có bằng được. Hãy mua, tận hưởng, trân trọng nó. Nhưng hãy nhớ rằng dù không có nó, bạn vẫn sẽ hạnh phúc.”
“Hãy nhớ mọi chuyện có thể đi sai hướng trong cuộc sống, không sao cả nếu bạn nhận thức rõ những khó khăn có thể xảy ra.”
“ Có thể việc đạt được thành tựu trong cuộc sống là điều quan trọng với bạn - hãy cứ làm đi. Tranh đấu để được thăng chức, hỏi cưới người thương, tiết kiệm tiền để mua một căn nhà lớn hơn. Hãy cứ làm tất cả những điều bạn muốn làm. Những đừng căng thẳng quá, đừng mê đắm quá.”
Theo mình hiểu, phần chia sẻ tác giả là thế này chúng ta hãy làm bắt tay vào hiện thực hóa mục tiêu, mong muốn của mình. Mục tiêu điều quan trọng giúp chúng ta đi đến nơi mình muốn đến, tạo ra thành quả chúng ta mong đợi. Mục tiêu giúp chúng ta bớt đi sự chơi vơi, lạc lõng không biết đi về đâu.
Nhưng điều quan trọng ở đây là đừng biến mục tiêu trở thành một chân lý sống duy nhất của đời bạn để rồi bỏ quên việc thực sự sống trong cuộc sống với giây phút hiện tại, hay đôi khi cuộc sống sẽ có cú hích khiến mục tiêu của bạn không thành hiện thực, nếu bạn là người quá bám chặt bạn sẽ chịu đau khổ rất lớn.
Có mục tiêu, nỗ lực hết mình mục tiêu, nhưng không quá bám chấp. Một tinh thần sống quý giá, nhưng sẽ cần rất nhiều ý chí.
Giá trị thực tế mình có được khi đọc sách
Thực ra dù viết những điều trên mình thừa nhận rằng trước đây mình thường xuyên “đánh đập” phê bình bản thân vì những điều mình cảm thấy chưa hài lòng, xem đó là khuyết điểm.
Mình cũng sống trong ngày căng thẳng, mệt mỏi làm việc quá sức, không nghỉ ngơi điều độ.
Phản ứng thông thường mình mỗi khi nhà phê bình nội tâm xuất hiện là phản bác, đáp trả dữ đội, hãy đôi khi bị cuốn theo giọng nói tiêu cực.
Những giờ đây trên con đường này, mỗi ngày mình đang học cách chậm lại, học cách dành thời gian lắng nghe cảm xúc, lắng nghe những mong muốn từ trong trái tim.
Mình vẫn có những mục tiêu, có định hướng về cuộc sống tương lai. Nhưng không phải kiểu lao đầu vào làm việc như trước đây. Hiện tại mình học cách điều chỉnh, cân bằng lại và dành cả thời gian cho việc nghỉ ngơi và đi đâu đó.
Khi mình biết lắng nghe cảm xúc chính mình mà không chối bỏ, lòng mình bình yên và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Không phải chỉ đọc Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông thì mình có thể nhận diện và thay đổi như vậy. Đó là một quá trình dài trong việc đọc nhiều cuốn sách và dành thời gian suy ngẫm, chắt lọc những bài học mình nhận được.
Tuy nhiên Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông ít nhiều đã giúp mình nhìn nhận lại những vấn đề liên quan đến cảm xúc của bản thân trong quãng thời gian vừa qua. Tứ đó, bắt đầu sắp xếp lại cảm xúc, cuộc sống.
Kết lại
Trong cuốn sách tác giả viết về những bài tập kèm mỗi chương, thực hành bài tập có thể giúp bạn hiểu hơn về bản thân.
Nhưng dù sao đây cũng đây là một tác phẩm self- help, vẫn có những thông điệp chung chung mang tính khích lệ như “hãy sống như một đứa trẻ, Sống hết mình vì thời khắc hiện tại, và tập trung vào những chuyện đang xảy ra ngày lúc này..”
Nếu bạn nào cảm thấy bản thân không thích hợp self help thì có thể cân nhắc nhé.
0 comments: