Tuesday, September 19, 2023

Triết học thực hành: Những cuốn sách triết học bạn có thể thực sự ứng dụng trong cuộc sống

Nhiều người vẫn tin rằng triết học là một thứ gì đó giáo điều ở trên bục giảng. Nhưng tôi thì không. Tôi tin rằng triết học thực sự có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sống. Triết học không nên phức tạp, cũng không nên rối rắm. Nó cần phải rõ ràng và có thể ứng dụng được, như Epicurus đã nói: “Lời của triết gia không chữa lành được nỗi đau của con người là vô ích”.
Một số triết gia giỏi nhất không bao giờ viết ra bất cứ điều gì; họ chỉ sống một cuộc đời gương mẫu và trở thành những ví dụ mà ngày nay chúng ta có thể học hỏi. Triết học là thực tế, triết học có thể áp dụng và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng may mắn thay, một số triết gia không chỉ là những người hành động (Doer), họ còn là những cây viết. Những cuốn sách sau đây sẽ giúp bạn hiểu những lời lẽ mà họ đã truyền dạy—và hy vọng rằng bạn sẽ có thể áp dụng chúng vào những cơ hội, trở ngại và trải nghiệm của chính bản thân mình.

“Suy tưởng” của Marcus Aurelius

Sau nhiều năm kể từ lần đầu tiếp cận, tôi vẫn còn ấn tượng với Suy Tưởng: thế hệ chúng ta thật may mắn biết bao khi có được cuốn sách này.
Suy Tưởng có lẽ là cuốn sách “độc nhất vô nhị” từng được thực hiện: nó bản chất là cuốn nhật ký viết về những suy nghĩ riêng tư của Marcus Aurelius, một vị vua quyền lực nhất thế giới về cách thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ ở cương vị của mình.
Hầu như đêm nào Marcus cũng dành thời gian để thực hành một loạt “bài tập tâm linh” - những lời nhắc nhở được viết ra để khiến mình trở nên khiêm tốn, kiên nhẫn, đồng cảm, rộng lượng và mạnh mẽ khi đối mặt với bất cứ điều gì ông đang phải đối mặt. Ở bất cứ trang nào của cuốn sách này, bạn sẽ đều tìm thấy một cụm từ hay một dòng nào đó có thể giúp ích cho bạn khi gặp rắc rối lần sau. Hãy đọc nó, và sau đó đọc lại thường xuyên nhất có thể.
Những ghi chép này được sử dụng như một phương tiện để thực hành và củng cố niềm tin triết học của Marcus. Ông không ghi lại những suy nghĩ để khai sáng cho người khác, mà để tự thôi thúc, dẫn dắt và cổ vũ chính mình.
“Suy Tưởng” tập hợp những ghi chép trong quá trình “tự chiêm nghiệm” đó của Marcus Aurelius, trong đó nêu bật 3 NGUYÊN TẮC BẤT BIẾN VỀ CUỘC SỐNG:
1, KỶ LUẬT ĐƯỢC TẠO RA TỪ “KIÊN ĐỊNH” VÀ “CAM KẾT”. 
Cho dù chỉ là việc tập thể dục mỗi sáng hay giải quyết những công việc ít hứng thú. Những thói quen và hoạt động hàng ngày không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội để củng cố trí óc và tính cách.
2, KIỂM SOÁT CẢM XÚC LÀ TẠO NÊN SỰ CÂN BẰNG CHO CHÚNG.
 “Kiểm soát” không phải là “kìm nén”, mà là học cách thấu hiểu để chúng không trở thành nguồn cơn của những hành động dại dột. Cảm xúc phải là công cụ, chứ không phải là chủ nhân của ta.
3, KIÊN CƯỜNG GIÚP TA TRƯỞNG THÀNH SAU NHỮNG BIẾN CỐ. 
Marcus Aurelius tin rằng nghịch cảnh không phải là trở ngại mà là chất xúc tác cho sự phát triển. Đau khổ không phải là điều cần tránh, mà nên được nắm lấy, “nhào nặn” để biến thành trí tuệ và sức mạnh.
(Lưu ý: Tôi thực sự khuyên bạn nên sử dụng bản dịch tiếng Việt đã được thực hiện bởi Andy Lương, một cây viết kỳ cựu trên Spiderum)
 

“Những bức thư đạo đức” của Seneca


Seneca, giống như Marcus, là một người đàn ông quyền lực ở thành Rome. Ông cũng là một nhà văn vĩ đại và là một nhà thông thái, người luôn đưa ra những lời khuyên tuyệt vời cho bạn bè của mình. Phần lớn những lời khuyên đó tồn tại dưới dạng những bức thư, hướng dẫn họ và giờ đây là hậu thế chúng ta vượt qua những vấn đề đau buồn, giàu có, nghèo đói, thành công, thất bại, học vấn và rất nhiều điều khác.
Seneca cũng là một người theo chủ nghĩa Khắc kỷ, nhưng giống như Marcus, ông là người thực tế và vay mượn rất nhiều từ các trường phái khác. Ông từng nói đùa với một người bạn, “Tôi không quan tâm tác giả là ai, miễn nó là một câu nói hay.” Đó là nét đặc trưng của triết học thực hành - không quan trọng là ý tưởng đến từ ai và nó được viết ra khi nào, điều quan trọng là liệu nó có giúp ích cho bạn trong cuộc sống hay không, dù chỉ trong một khoảnh khắc. Việc đọc Seneca sẽ giúp ta làm được điều đó.
Trong cuốn sách này, Seneca lựa chọn sử dụng một định dạng mới cho văn bản triết học - đó là những bức thư gửi tới người bạn Lucilius. Cuộc trao đổi này không xuất hiện những bức thư hồi đáp; nhưng bất cứ ai đọc cũng luôn thấy Lucilius hiện diện thông qua những lần được nhắc tên, hay những câu hỏi, mối quan tâm của ông được Seneca trả lời. Những bức thư của Seneca thực sự rất dễ đọc, và bạn có thể thực hành mỗi ngày đọc chỉ một bức để thẩm thấu sâu hơn. Thông qua những bức thư này, bạn có thể thấy được hình ảnh của một người thầy thông thái có thể đóng góp trong quá trình chữa lành, nhưng Seneca cũng biết rằng ngay cả bản thân ông cũng có những chấp trước sai lầm.
Đọc Seneca không chỉ là đọc về triết học, mà còn là một trải nghiệm nghệ thuật, khi những bài học, triết lý quan trọng được phản ánh qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị và đời thường, thể hiện sự tinh tế trong quan sát của một thiên tài với sự từng trải của cuộc đời. “Những bức thư đạo đức” là 1 trong 3 cuốn sách nền tảng của Stoicism. Cuốn sách bao gồm 124 bức thư, chia làm 2 tập, đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng và lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt cũng bởi dịch giả Andy Lương.



“The art of happiness (tạm dịch Nghệ thuật hạnh phúc)” của Epicurus


Epicurus vẫn được coi là “đối thủ” của các trường phái Khắc kỷ, và ngày nay, cả hai trường phái đều cạnh tranh nhau để giành danh hiệu trường phái triết học bị… hiểu lầm nhiều nhất. Chủ nghĩa Khoái lạc không nói về sự hưởng lạc. Trên thực tế, Epicurus rao giảng sự kiềm chế và kỷ luật tự giác.
Có thể nói triết học về đạo đức của Epicureanism nằm cả trong thông điệp: Cốt lõi của cuộc đời con người là hướng đến khoái lạc và tránh đau khổ, nên điều cần làm trước nhất là phải kỷ luật những ham muốn khoái lạc.
Điểm tiếp cận của các nhà Khoái lạc hoàn toàn trái ngược với các nhà Khắc kỷ. Nếu như Chủ nghĩa Khắc kỷ cho rằng chỉ có phẩm cách là tốt đẹp, và chúng ta hãy tập trung vào phẩm cách nhiều nhất có thể, thì Epicurus cho rằng điều trước nhất chúng ta phải làm là bảo vệ trạng thái khỏe mạnh của cơ thể bằng cách kỷ luật các ham muốn của cơ thể ta đã.
Với các nhà Khoái lạc, cuộc đời của con người bao hàm cả cơ thể và linh hồn. Làm sao có thể đạt tới trạng thái bình thản của tâm trí khi mà cơ thể của bạn đang kêu gào phản đối vì đau đớn, mệt mỏi hay kiệt sức? Thay vì kìm nén hay phớt lờ những nhu cầu của cơ thể, thì Epicurus cho rằng triết học cần gắn với thực tế. Cơ thể là tổng hợp hài hòa của vật chất, của dòng máu nóng và những thành phần bên trong mà nếu bị ngó lơ, chúng sẽ phản lại ta ở một thời điểm nào đó.Epicurus cũng cho rằng những nhu cầu cơ bản của con người thì luôn dễ dàng có thể đáp ứng, và bằng cách sống giản dị cũng như kỷ luật các ham muốn, ta sẽ dễ dàng đạt tới trạng thái hài lòng và xóa đi những lo lắng trong tương lai.
Theo ông, “Cuộc sống dễ chịu không phải là sản phẩm của việc uống rượu và tình dục; ngược lại, nó là kết quả của những suy nghĩ tỉnh táo – cụ thể là việc đào sâu lý do của mọi quyết định lựa chọn hay sự ác cảm, đồng thời loại bỏ những tư tưởng sai lầm về thần thánh và cái chết - vốn là nguồn gốc chính của những rối loạn tinh thần.” Nói như vậy, Epicurus có quan điểm rõ ràng hơn nhiều về niềm vui và hạnh phúc so với Epictetus hay Marcus Aurelius. Rõ ràng, chủ nghĩa Khoái lạc có rất nhiều tính thực tế với cuộc sống hiện đại ngày nay của chúng ta.

Đạo Đức Kinh của Lão Tử


Điều thú vị là cả Epictetus và Lão Tử đều sử dụng cùng một sự so sánh: Tâm trí giống như nước đục. Muốn có sự trong sáng, chúng ta phải vững vàng và để cho vẩn đục lắng xuống. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể nhìn thấy rõ được. Chỉ khi đó chúng ta mới có sự minh bạch. Dù bạn là ai và đang làm gì, bạn sẽ được hưởng lợi từ việc thấu hiểu điều này.
Lão Tử đưa ra khái niệm về “Đạo”, một khái niệm có tính chất trừu tượng và khái quát rất cao. “Đạo” là một thuật ngữ để mô tả quy luật của vũ trụ, cũng như là phép biện chứng về sự nảy sinh, vận động, phát triển, giải quyết mâu thuẫn trong xã hội, tự nhiên lẫn nhận thức con người.
Theo Lão Tử, vạn vật vận hành theo quy luật của “Đạo”. Đạo Đức Kinh nói tới nhiều vấn đề triết học trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, cho rằng con người nên sống hài hòa theo quy luật của tự nhiên. Thuận theo tự nhiên thì mọi sự sẽ thông tỏ, trái với tự nhiên thì sẽ gặp bất lợi. Con người càng “giả tạo”, lạm dụng những thứ bề nổi và kỹ xảo thì cuộc sống sẽ ngày càng bộn bề, khó khăn. Đạo Đức Kinh còn giải thích nguyên nhân sâu xa cho sự sa đọa của con người: chính là vì con người đi ngược lại sự chất phác tự nhiên, có quá nhiều dục vọng, lòng tham và sự xảo trá nên dẫn tới việc tranh giành, chém giết lẫn nhau. “Họa không gì lớn bằng không biết thế nào là đủ, hại không gì bằng ham muốn cho được nhiều”.
Lão Tử đưa ra nhiều lời khuyên cực kỳ hữu ích cho cuộc sống, như triết lý “Lấy nhu thắng cương”, giống như nước chế ngự và làm xói mòn đá. Ngoài ra còn có triết lý về lối sống khiêm nhường, lập công mà không tranh công. Trong khi kẻ tầm thường thường tự đề cao bản thân, hành động xốc nổi, hung hăng thì bậc thánh nhân sẽ cư xử thận trọng, tinh tế, bỏ qua cái tôi cá nhân vì việc lớn.
Lão Tử cũng đề cao sự “biết đủ”, và cho rằng một người biết được bản thân thì mới là người minh trí. Thấy khuyết điểm ưu điểm của người khác thì dễ mà phân tích bản thân lại là việc rất khó, cho nên mới có câu: “Con người quý ở tự biết mình”.
Đạo Đức Kinh bao gồm 81 chương ngắn, là sự kết hợp giữa thơ và văn xuôi nhằm mang đến cho bạn những lý giải đó.
Trên đây là 4 cuốn sách triết học mà tôi cho rằng cực kỳ hữu ích để bạn có thể ứng dụng trong đời sống hàng ngày, bất kể niềm tin và trường phái bạn theo đuổi là gì. Nếu bạn đã thực hành trường phái nào trong số 4 cuốn sách nêu trên, hãy chia sẻ với tôi ở bình luận nhé.
Mua sách trên Tiki
(Tham khảo nhiều nguồn & đặc biệt là blog của tác giả Ryan Holiday)
Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: