Tuesday, October 3, 2023

Đại cương chiến thuật bóng đá: Pressing và các khái niệm liên quan

Cụm từ Pressing đã trở nên quá phổ biến trong thế giới bóng đá, đến mức nó còn lan sang các lĩnh vực khác và trở thành một cụm từ lóng được giới trẻ sử dụng để nói về việc gây áp lực. Với riêng bộ môn thể thao vua, pressing đã trở nên quá quen thuộc và được rất nhiều các đội bóng ở các cấp độ khác nhau sử dụng. Chúng ta được các bình luận viên, báo chí hay các huấn luyện viên nhắc đến nhiều về pressing, tuy vậy với nhiều khán giả khái niệm này vẫn còn mơ hồ. Thế nào là pressing, liệu có phải cứ miệt mài lao vào, đuổi theo trái bóng là pressing? Qua bài viết này tôi muốn chia sẻ những kiến thức mà tôi tổng hợp được về pressing – một khái niệm đã xuất hiện từ rất lâu trong giới túc cầu.

Pressing là gì?

Trước khi hiểu về pressing thì ta cần hiểu một cụm từ khác đó là “apply pressure”, dịch ra tiếng Việt là “tạo ra áp lực”. Đó là các hành động như chạy, áp sát, tranh chấp bóng, cản hướng chuyền bóng,... nhằm tạo áp lực lên đối phương với mục đích giành lại bóng.

Pressing luôn đòi hỏi sự đồng bộ

Pressing đương nhiên bao gồm việc “apply pressure”, tuy nhiên khác biệt là ở sự chủ động và tính hệ thống. Chủ động ở đây là có kế hoạch còn tính hệ thống ở đây là sự đồng bộ thực hiện cùng lúc của toàn bộ cầu thủ trong đội hay một nhóm cầu thủ trong đội. Nói cách khác, “apply pressure” là một hành động còn pressing là một chiến lược và trong chiến lược pressing ấy có nhiều các hành động “apply pressure” từ các cầu thủ. Quá trình pressing diễn ra vào trạng thái khi không kiểm soát bóng (out of posseison) của một đội, nên về cơ bản đây là một quá trình phòng ngự, tuy nhiên là phòng ngự một cách chủ động. Một ví dụ đó là Everton nằm trong top 5 đội bóng có nhiều hành động “apply pressure” nhất tại EPL 2021-2022, tuy nhiên Everton không phải là một đội chơi pressing. Hiểu đơn giản các hành động gây áp lực của đội bóng này đến từ các cá nhân riêng lẻ của các cá nhân chứ không hề có tính chủ động hay hệ thống. Chẳng hạn bạn chơi ở vị trí hậu vệ phải, khi có một cầu thủ tấn công của đối phương có bóng và tiến tới khu vực phòng ngự của bạn, nhiệm vụ của bạn tất nhiên là lao tới gây áp lực với cầu thủ để khiến anh ta không thể thoải mái làm những gì mà anh ta muốn. Đó là hành động phòng ngự bị động, khác với sự chủ động trong chiến lược pressing.

Lịch sử phát triển của chiến lược Pressing?


Viktor Maslov, Patrick Gorman, Rinus Michel, Ersnt Happel, khó có thể nói ra ai là người thực sự phát minh ra lối chơi này, chỉ biết rằng pressing đã nhen nhóm từ lâu trong các bộ óc của các huấn luyện viên từ những năm 50 của thế kỉ trước, khi chiến thuật bóng đá vẫn đang còn khá đơn sơ và thể lực cũng như thể chất cầu thủ còn khó có thể đáp ứng được với các cách thức pressing. Dù xuất hiện sớm hay muộn, pressing đơn giản hình thành trong tư duy của các chiến lược gia phục vụ nhu cầu giành quyền kiểm soát bóng nhiều nhất có thể. Khi bạn kiểm soát bóng, bạn có thể thực hiện pha tấn công và đối phương thì không thể tấn công, bởi vậy kiểm soát bóng rất quan trọng và muốn giành được bóng thì phải gây áp lực lên đối phương. Cứ như vậy, pressing xuất hiện trong giới túc cầu là một lẽ tất yếu.
Ở thời điểm khởi nguyên, việc pressing khác xa với thời điểm hiện tại. Đó là khi luật chuyền về chưa ra đời (luật chuyền về ra đời năm 1992) và các thủ môn hoàn toàn có quyền bắt bóng sau khi nhận được một đường trả ngược từ đồng đội. Bản thân thể lực, thể trạng của các cầu thủ cũng chưa thể thực hiện được việc pressing tầm cao và mật độ dày đặc như ở thời hiện tại, do đó, việc gây áp lực diễn ra ở giữa sân là chủ yếu. Cách thức thực hiện cũng còn khá chân phương, hình ảnh tiêu biểu chính là đội tuyển Hà Lan dưới sự dẫn dắt của Rinus Michel thực hiện áp sát một cách liên tục vào cầu thủ đối phương.

NETHERLANDS OF 1974 HUNTING FOR THE BALL | The hard pressing of Total Football

Sự xuất hiện của pressing đóng góp một phần quan trọng trong thế giới bóng đá.
Trước hết, pressing củng cố luận điểm về việc bóng đá một trò chơi mang tính tập thể trong làn sóng tranh luận với quan điểm đối lập về việc bóng đá dựa trên phẩm chất cá nhân.
Tiếp đến, pressing khiến tốc độ trận đấu diễn ra nhanh hơn. Bóng đá ở thập niên 50 của thế kỉ trước diễn ra với một tiết tấu chậm hơn rất nhiều, chúng ta nhìn thấy Garrincha hay Stanley Matthews có nhiều thời gian cầm bóng, có không gian để thực hiện những pha tăng tốc dẫn đến những pha rê bóng thượng hạng, đồng ý một phần là do những cầu thủ này có kĩ thuật cá nhân quá tốt giúp họ kiểm soát bóng nhưng sự thực là không có ai tạo ra áp lực đủ lớn lên họ cả.
Cuối cùng, có thể nói pressing là một trong những ý tưởng đặt nền móng cho bóng đá hiện đại. Hàng phòng ngự dâng cao hay bẫy việt vị, những concept vẫn đang rất thịnh hành hiện nay ra đời một phần cũng nhằm phục vụ tư duy muốn pressing đối thủ từ các huấn luyện viên. Nếu bạn dâng cao tuyến đầu để gây áp lực thì tuyến dưới cũng phải dâng theo bởi cự ly giữa các tuyến là yếu tố tối quan trọng trong bóng đá. Bẫy việt vị từ đó cũng ra đời theo bởi nếu chơi với một hàng phòng ngự dâng cao mà không có khả năng bẫy việt vị đối phương thì không khác gì tự sát.

Các loại pressing?


Có thể chia pressing thành 3 loại dựa trên phạm vi và khu vực trên sân mà việc pressing được thực hiện đó là High-press, Mid-press và Low-press. Hình dưới đây miêu tả về 3 loại pressing thông dụng này. Khác biệt cơ đơn giản nằm ở khu vực thực hiện press. Với high-press, việc pressing được thực hiện trên toàn bộ phần sân đối phương, trong khi mid-press chỉ thực hiện ở khu vực giữa sân còn low-press thì là bên phần sân nhà. Loại thứ 3 thì khá hiếm thấy, còn 2 loại đầu đều đang rất phổ biến và có thể lấy ví dụ một cách dễ dàng: High-press có thể nhìn vào Newcastle ở mùa giải năm nay còn Mid-press thì Wolverhampton là một ví dụ. Tuy vậy, trong bóng đá ngày nay ranh giới giữa high-press và mid-press cũng khá mờ nhạt, một đội có thể chuyển đổi giữa high-press và mid-press tùy theo diễn biến, tình huống trên sân.

High press
Midfield press

Low press


Ngoài cách chia này ra còn có thể chia các kiểu pressing dựa trên cách thức thực hiện. Với cách phân loại này, ta cũng có 3 dạng chính bao gồm: ball-oriented, man-oriented và space-oriented. Ball-oriented là kiểu press “nguyên thủy” nhất, xuất hiện từ rất lâu rồi, đó là cách thực hiện gây áp lực hướng trực tiếp vào quả bóng. Hiểu nôm na, khi một cầu thủ đối phương nhận bóng thì các cầu thủ đội nhà lập tức vây bắt xung quanh cầu thủ đấy (Na ná với chiến thuật “ruồi bu” huyền thoại trên các sân phủi VN =)) ). Như kiểu pressing của tuyển Hà Lan năm 1974 là hình mẫu đặc trưng nhất cho cách thức này, song ngày nay không còn được các đội bóng ưa chuộng (hoặc nếu có thì thường dùng trong việc counter-press nhiều hơn, còn counter-press là gì thì đợi bài viết sau của mình nhé) do tốn quá nhiều thể lực cũng như khiến đội hình đội thực hiện pressing trở nên hỗn loạn dẫn đến việc khó để tái thiết lập khối phòng ngự nếu như đối phương thoát pressing thành công.

Các cầu thủ của Leed vây bắt cầu thủ có bóng của Tottenham.

Để khắc phục nhược điểm của ball-oriented thì hai cách thức sau tỏ ra phù hợp hơn với bóng đá hiện đại. Trước tiên là man-orriented, đây là cách thực hiện gây áp lực hướng vào các cầu thủ xung quanh cầu thủ cầm bóng. Thay vì dung chiến thuật “ruồi bu” thì ta có câu “một kèm một nhé” cũng huyền thoại không kém trên các sân bóng phủi. Khi cầu thủ đối phương có bóng thì đội pressing sẽ lập tức cử người kèm các đồng đội gần với anh ta khiến cho cầu thủ cầm bóng không thể kết nối được tới họ. Cần phải lưu ý rằng khái niệm man-oriented khi pressing với khái niệm phòng ngự man-marking (Phòng ngự theo kiểu kèm người, đối lập với zonal marking là phòng ngự khu vực) là hai khái niệm hoàn toàn độc lập. Thứ nhất, một đội bóng pressing theo cách thức man-oriented ở tuyến trên hoàn toàn có thể thiết lập hàng phòng ngự (defensive line) thẳng và chơi phòng ngự khu vực một cách bình thường. Thứ hai, các mục tiêu kèm sẽ thay đổi liên tục khi đối phương luân chuyển trái bóng (chứ không phải là phân số 7 đội mình kèm số 3 đội bạn là ông số 7 phải dí theo số 3 đến chết đâu).

Khi đối phương có bóng, các cầu thủ Bayern kèm 1 1 với các lựa chọn chuyền bóng xung quanh.

Cuối cùng, space-oriented là phương thức gây áp lực bằng cách kiểm soát hết các khoảng không gian xung quanh cầu thủ cầm bóng của đối phương. Khi một cầu thủ đối phương có bóng, thay vì kèm 1 1 với các cầu thủ xung quanh thì đội thực hiện pressing sẽ cắt cử người chắn các hướng chuyền bóng. Các bạn sẽ hay gặp cụm từ cover shadow khi đọc các bài phân tích ở báo nước ngoài, và việc sử dụng cover shadow chính là cốt lõi trong cách thức space-oriented này. Cover-shadow chính là việc dung cơ thể để bao phủ, kiểm soát một khoảng không gian, như hình dưới là ví dụ. Lợi thế của space-oriented so với man-oriented đó là việc bạn có thể tốn ít quân số hơn bởi một cầu thủ có thể cover shadow được 2 hay thậm chí nhiều hơn còn nếu như chơi kèm người thì một chỉ có thể kèm một mà thôi. Tất nhiên việc sử dụng cover shadow một cách hiệu quả để có thể một lúc chắn hướng chuyền bóng đến nhiều người hay chi ít là một người khó hơn là kèm người trực tiếp khá nhiều nên cả 2 phương thức này không cái nào thực sự vượt trội hơn cái nào.

Hướng chạy của các cầu thủ Bayern luôn chắn các hướng chuyền bóng từ cầu thủ Dortmund đến các vệ tinh xung quanh.

Các kháiniệm liên quan như pressing trap, pressing trigger?


Trước tiên là pressing trap. “Trap” là bẫy, đúng vậy đó là cái bẫy mà đội pressing muốn giăng ra cho đội cầm bóng. Có muôn vàn kiểu pressing trap nên chúng ta không thể liệt kê ra được nhưng để mình lấy một ví dụ phổ biến nhất. Đội B là đội cầm bóng và đội A là đội phòng ngự. Đội A sẽ “mời gọi” một đường chuyền đến cầu thủ đối phương khi không thực hiện kèm hay chắn hướng chuyền bóng đến cầu thủ này. Và bùm khi cầu thủ đó nhận bóng, đội B chính thức “sập bẫy” khi đội A lập thức triển khai các phương án pressing lên cầu thủ vừa nhận bóng bằng các cách như man-oriented, space-oriented hay thậm chí là ball-oriented như đã đề cập ở phần trên.
Để trống một cầu thủ đối phương nhằm giăng bẫy và sau đó kích hoạt pressing trigger ngay khi cầu thủ đó nhận bóng.



Pressing trigger là một khái niệm thường đi kèm với pressing trap. Trigger có thể hiểu là một cái “công tắc”, khi bật nó lên là toàn đội sẽ thực hiện pressing theo kế hoạch đã đề ra. Quan trọng là cái công tắc này được bật khi nào và như thế nào? Thời điểm phù hợp nhất chính là thời điểm đối phương sập bẫy từ pressing trap, đội chơi pressing sẽ lập tức thực hiện các hành động gây áp lực của mình. Ngoài ra, các tình huống phát sinh như một pha xử lí lỗi của đối phương, một đường chuyền đưa cầu thủ đội bạn vào thế khó cũng là tín hiệu phù hợp để để pressing trigger được kích hoạt. Người kích hoạt pressing trigger sẽ là một cầu thủ trong đội (thường là người chơi cao nhất hoặc là người gần bóng nhất). Cầu thủ này chính là người dẫn đường và các đồng đội của anh ta phải lập tức thực hiện theo. Bởi vậy mới nói pressing rất cần tính hệ thống. Nếu một cầu thủ bật pressing trigger lên mà các đồng đội không theo thì chắc chắn việc pressing sẽ thất bại và chỉ tốn sức cầu thủ kia mà thôi.

Tại sao lại cần đến pressing trap và pressing trigger? 


Chiến thuật bóng đá ngày càng phát triển, các đội bóng nghĩ ra đủ cách để pressing thì các đội bóng khác cũng nghĩ ra vô vàn cách để thoát pressing. Do đó thay vì pressing một cách bất chấp thì các đội sẽ lựa chọn thời điểm, tình huống thích hợp để thực hiện việc này, vừa tiết kiệm được sức lực, vừa giảm bớt rủi ro để đối thủ thoát pressing thành công.
Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: