Thẻ căn cước khác gì thẻ CCCD?
Không chỉ thay đổi về tên gọi, mẫu thẻ mới được đề xuất rất nhiều điểm khác biệt so với thẻ CCCD.Trong đó, mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú", đồng thời di chuyển sang mặt sau của thẻ thay vì mặt trước như hiện nay. Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội" thành "Bộ Công an".
Trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn các thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải. Theo Bộ Công an, việc này nhằm bảo đảm tính riêng tư cho công dân trong quá trình sử dụng thẻ. Tuy không còn thể hiện trên mặt thẻ nhưng những thông tin này vẫn sẽ được quản lý thông qua chip điện tử.
Tương tự, mã QR code trên thẻ căn cước cũng được đề xuất chuyển sang mặt sau, thay vì mặt trước như hiện hành.
Vì sao phải đổi căn cước công dân thành căn cước?
Năm 2016, khi luật CCCD có hiệu lực thi hành, Bộ Công an đã thí điểm cấp thẻ CCCD mã vạch cho công dân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.Điều này dẫn tới có 2 loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng, gồm: CCCD mã vạch, CMND 9 số và 12 số.
Đến năm 2021, Bộ Công an cấp thẻ CCCD gắn chip thay cho CCCD mã vạch, triển khai trên phạm vi cả nước. Lý giải về sự thay đổi này, Bộ Công an cho hay, CCCD gắn chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần…
Về việc tại sao không triển khai cấp CCCD gắn chip ngay từ đầu, đại diện Bộ Công an cho biết xuất phát từ thực tế và quá trình phát triển khoa học, kinh tế - xã hội. Ví dụ, năm 2016, thời điểm cấp CCCD mã vạch, Bộ Công an đã tính đến phương án sử dụng chip điện tử, nhưng khi ấy chi phí cao, thiết bị công nghệ chưa phù hợp nên quyết định tạm thời sử dụng mã vạch. Đến nay, các yếu tố phát triển về công nghệ, xã hội, chi phí… đã đáp ứng và phù hợp, việc ứng dụng chip điện tử để sản xuất thẻ CCCD là khả quan.
Để thực hiện đợt cao điểm cấp CCCD gắn chip, hơn nửa đầu năm 2021, lực lượng công an trên toàn quốc đã làm việc ngày đêm, người dân liên tục được khuyến khích đi làm thủ tục cấp CCCD, nhiều đợt cấp thẻ lưu động được triển khai trên tận cấp xã, phường.
Số lượng thẻ cấp rất lớn, một số phát sinh không mong muốn đã xảy ra, ví dụ chậm trả thẻ, thông tin trên thẻ bị sai, dữ liệu trên hệ thống chưa chính xác... Tuy nhiên, bằng nỗ lực của ngành công an và cả người dân, tính đến cuối năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 83 triệu thẻ CCCD gắn chip.
Năm 2023, với lý do để phù hợp thực tiễn, nhất là bối cảnh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đi vào hoạt động, Bộ Công an đề xuất xây dựng luật CCCD sửa đổi. Tháng 11.2023, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua luật Căn cước thay thế cho luật CCCD, đồng thời đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước (CC).
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tên gọi luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ CC cũng giúp công tác quản lý nhà nước khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động xã hội, giao dịch về hành chính, dân sự.
Như vậy, trải qua 8 năm, thẻ CCCD đã có 3 lần thay đổi. Điều này đồng nghĩa, từ 1.7.2024 có thể sẽ có 4 loại giấy tờ tùy thân cùng có hiệu lực sử dụng, gồm: CMND, thẻ CCCD mã vạch, thẻ CCCD gắn chip và thẻ CC.
Riêng với CMND, luật quy định có giá trị sử dụng đến hết ngày 31.12.2024.
Nguồn: Tổng hợp từ Báo Thanh niên
0 comments: