1. Đôi nét về tác giả và tác phẩm.
- Tác giả: Phan Văn Trường là giáo sư, cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Bắt đầu với công việc kĩ sư thời còn trẻ và cuộc đời bôn ba khắp thế giới, đã đi qua nhiều quốc gia và làm việc với nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, do đó ông đã tích lũy được vô số trải nhiệm thực tế về công việc của một nhà thương thuyết nói chung và nghệ thuật đàm phán nói riêng. Nhưng trải nhiệm ấy được tác giả truyền tải một cách vô cùng khéo léo đến người đọc thông qua cuốn sách này.
- Tác phẩn: "Một đời thương thuyết" là cuốn sách nói về những kĩ năng và những yếu tố để có được sự thành công trong bất kì cuộc đàm phán nào. Tuy nhiên cuốn sách này chẳng hề khô khan, mang tính "sách giáo khoa" như các cuốn sách khác về cùng chủ đề. Tác phẩm kể lại cho người đọc những trải nhiệm đặc biệt mà tác giả đã trải qua trong cuộc đời thương thuyết của mình, đó là những kinh nghiệm, lời khuyên và cả những câu truyện đầy thú vị về sự nghiệp của một nhà thương thuyết từng trải.
2. Nội dung cuốn sách:
Phần một: Chuẩn bị cho cuộc thương thuyết.
Chắc hẳn khi nói về hoạt động đàm phán, thương thuyết thì mỗi chúng ta đều hình dung ra ngay những phái đoàn hàng chục người, quần áo chỉnh tề, mặt mày căng thẳng để tìm cách thu lợi từ đối phương và đặc biệt nhất là chúng chỉ dành cho nhưng "tay chơi" chuyên nghiệp trong ngành. Điều đó là đúng nhưng không hẳn là hoàn toàn chính xác, bởi vì thương thuyết là một hoạt động vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thì hoạt động này lại càng quan trọng. Tuy nhiên nó cũng dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống thường ngày, từ đi chợ, mua quần áo cho đến việc cưới hỏi như nhà trai gặp nhà gái để sắp đặt cuộc hôn sự cho cặp uyên ương cũng là thương thuyết, chẳng qua là quy mô của nó có chút khác so với tưởng tượng của chúng ta. Và để trở thành một nhà thương thuyết không khó như chúng ta vẫn thường nghĩ, tài năng bẩm sinh có lẽ là yếu tố giúp một người có thể đi nhanh hơn một chút so với những người khác, còn muốn để trở thành một nhà thương thuyết thực thụ thì đó là kết quả của nhiều năm học tập, trải nhiệm trên hành trình gập gềnh mà cũng không kém phần thú vị này.Trước khi bắt đầu vào một cuộc thương thuyết, chắc chắn chúng ta phải có sự chuẩn bị. Đầu tiên phải xác định rõ chúng ta muốn gì từ cuộc thương thuyết, và cái giá hợp lí phải trả để chúng ta có được thứ đó. Thử tưởng tượng nếu như một người lang thang giữa chợ mà không biết mình sẽ mua gì để nấu cho bữa tối và không nắm chắc về giá cả thì đó là một trải nhiệm thật khó tả, mỗi khi nhặt một thứ lên thì lại phân vân với thứ của hàng bên cạnh, thậm chí là mua với giá hớ mà về nhà mới biết đó là đồ ế của ngày hôm trước. Tương tự như vậy sẽ rất tệ nếu một phái đoàn hàng chục người đi thương thuyết mà chẳng biết mục đích của lần thương thảo là mua gì, bán gì. Do đó việc làm đầu tiên của mỗi cuộc thương thuyết là phải xem đối tượng lần này là cái gì, càng cụ thể càng tốt và phải xác định đâu là giới hạn cuối cùng để có được nó.
Tiếp theo chính là phải kiểm tra xem phe ta có thống nhất hay không. Tưởng tượng nhà trai và nhà gái gặp nhau để bàn về mối hôn sự cho hai đứa, cặp đôi thì yêu nhau thắm thiết, nhưng bà mẹ thì cho rằng cô con dâu hơi vụng về, người bố cho rằng nhà kia thiếu thành ý, ông của nhà trai trước kia chơi xấu ông của nhà gái khi còn trẻ, em chồng thì không thích chị dâu,... Mới đó thôi mà mỗi người một ý, không ai nghe ai khiến cho cặp đôi muốn tới với nhau mà phải trải qua bao nhiêu sóng gió, khó khăn. Trong kinh doanh cũng vậy, có những lúc phái đoàn từ hàng chục công ty lớn nhỏ khác nhau, mỗi người phụ trách một mảng, phải lo chiều lòng sếp của mình vừa phải thống nhất với các thành viên khác quả thật chẳng dễ dàng. Do đó trước khi mỗi cuộc thương thuyết bắt đầu, nhất định phải thống nhất ý chí chung của tất cả các thành viên tham gia, và phải có một người đứng đầu đại diện duy nhất, phải có một chiến lược chung.
Thứ ba là phải tìm hiểu thật kĩ đối phương. Đa phần những đối tác mà chúng ta làm việc là những người lần đầu chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc. Do đó để có một cuộc thương thuyết thành công, suôn sẻ hơn thì tất nhiên phải có sự tìm hiểu về phía đối phương. Chẳng hạn một công ty lần đầu hợp tác với một công ti khác, sẽ rất rủi ro nếu không tìm hiểu về đối tác của mình, do đó cần phải có những thông tin về uy tín của đối tác, những dự án trước đây của họ với các công ty khác như thế nào, giá cả ra sao và có trục trặc gì không. Quan trọng hơn là phải biết được mục đích của họ khi hợp tác với mình, nếu họ đang rất cần sản phẩm của công ty ta và thị trường chẳng còn nguồn cung nào khác thì đây là một lợi thế tuyệt vời trong cuộc thương thuyết sắp tới. Việc tìm hiểu đối phương là một điều hết sức quan trọng mà chúng ta phải quan tâm trước mỗi cuộc đàm phán, vì như các cụ truyền lại: "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng".
Thứ tư, là luôn phải có sự kính trọng đối với đối tác, theo nghĩa họ vừa là tập thể, vừa là cá nhân trong đội. Điều này tưởng bình thường nhưng lại rất quan trọng trong thương thuyết, bởi khi nào cũng vậy luôn có bên ở thế yếu và thế mạnh, cho dù khoảng cách này là rất lớn hoặc tương đối. Tác giả đã chia sẻ trong cuốn sách một câu chuyện rằng đã từng một mình đại diện cho cả phái đoàn trực tiếp trao đổi với những người lãnh đạo đứng đầu đất nước, đó là một áp lực không hề nhỏ mà người thương thuyết phải thường xuyên xảy ra. Ấy thế nhưng cuộc đàm phán vẫn diễn ra suôn sẻ, bởi lẽ cả hai bên đều giành những sự tôn trọng đến cho nhau, và đều hướng đến giải quyết mục tiêu chung là đi đến một kết quả mà cả hai đều chấp nhận được. Thực tế cho dù kết quả của cuộc thương thuyết có thành công hay thất bại thì cả hai bên đều có thể trở thành bạn của nhau, vẫn còn cơ hội hợp tác cùng nhau bởi lẽ nếu đã có ấn tượng tốt với nhau từ trước thì tội gì mà không có lần hợp tác tiếp theo chứ. Và để có được điều đó nhất thiết phải có sự kính trọng nhất định cho đối tác của mình, đừng cậy mình ở thế mạnh mà chèn ép họ quá đáng khiến cho cả hai bên đều không vui.
Cuối cùng là dự tính trước kết quả của cuộc đàm phán, bằng cách hiểu trong cuộc thương thuyết thì khi nào cả hai bên cùng "win-win". Đây là điều quan trọng vì cuộc thương thuyết thành công là cuộc thương thuyết bất kể người mua hay người bán đều có được thứ mình muốn với cái giá chấp nhận được, nếu vượt qua giới hạn đó thì sẽ chẳng có trao đổi gì cả. Và để tìm ra được khi nào là win-win thì đòi hỏi phải có sự sáng tạo, uyển chuyển và cố gắng để tìm ra thế cân bằng cho cả hai bên. Đó là điểm đích của mỗi cuộc thương thuyết, nếu không có nó thì sẽ chẳng bao giờ đi tới đích. Một điều khác mà chúng ta nên chú ý khi thương thuyết là thái độ luôn vui vẻ, kể cả trong và sau quá trình đó. Thực tế nếu coi đối tác là kẻ thù thì sẽ rất khó để hai bên nói chuyện một cách cởi mở và thẳng thắn, đặc biệt là những cuộc thương thuyết có thể kéo dài đến nhiều tháng. Trong những trường hợp như vậy, thái độ vui vẻ là thứ cần thiết để hai bên có động lực ngồi với nhau, cùng nhau giải quyết vấn đề và đi đến kết quả thống nhất. Cuộc thương thuyết thành công chính là cuộc thương thuyết kết thúc với cái bắt tay và nụ cười của cả hai bên.
Phần hai: Ai là bạn của chúng ta?
Trong mỗi cuộc thương thuyết không chỉ có một mình bạn hay doanh nghiệp của bạn mà còn có nhiều người khác cũng tham gia ở nhiều vị trí khác nhau và có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt cuộc thương thuyết đi đến thành công. Lấy ví dụ trong trường hợp bạn đang muốn mua một căn nhà để "an cư lạc nghiệp". Đầu tiên bạn cần phải tìm được người bán, nhưng trên thị trường thì cũng có rất nhiều người muốn bán cho bạn, bất kể vị trí, nội thất bên trong căn hộ. Thật khó khăn và mất thời gian để đi gặp từng người, đi xem từng căn hộ trong khi quỹ thời gian của bạn là có hạn. Tất nhiên ở đây sẽ có người giúp bạn, họ là những người trung gian, sẵn sàng lắng nghe yêu cầu và nguyện vọng của bạn và sẽ nhanh chóng đưa bạn đến với căn hộ mà bạn ưng ý. Nhưng bạn gặp phải vấn đề mới,khi căn hộ mà bạn vừa ý thì giá của nó lại cao hơn nguồn tài chính hiện có của bạn, lúc này ngân hàng sẽ là người bạn tiếp theo mà bạn sẽ gắn bó trong quá trình thương thuyết. Họ đóng vai trò là nhà đánh giá rủi ro chuyên nghiệp đối với giao dịch của bạn, ngoài ra sự xuất hiện của họ cũng khiến cho cuộc thương thuyết trở lên thuận lợi hơn, khi ngân hàng trở thành chỗ nương tựa đáng tin cậy nhất để mua bán diễn ra thuận lợi. Nhưng đến đây vẫn chưa hết, công việc giấy tờ về chủ sở hữu của căn nhà vẫn chưa được giải quyết. Đó là lúc bạn cần đến pháp luật và luật sư, những người bạn sẽ giúp bạn thấy được những rủi ro mà bạn không thể lường trước ngay từ lúc thương thuyết, đảm bảo giao dịch của bạn được diễn ra thuận lợi trên thực tế. Như vậy, có thể thấy mỗi cuộc thương thuyết dù lớn hay nhỏ đều là sự đóng góp công sức của rất nhiều người, mỗi người đảm nhận mỗi khâu riêng biệt và với ý nghĩa riêng, mà nếu thiếu mất một trong số đó thì thương thuyết khó mà thành không được.Đầu tiên, người tham gia cuộc thương thuyết đó chính là bản thân bạn hay công ty của bạn. Một phần đó là khả năng của bạn, phần còn lại chính là "tâm lí chiến" trong cuộc thương thuyết. Để có được những lợi thế cần có trên bàn đàm phán, tất nhiên cần phải đánh vào tâm lí của đối phương nhưng như thế nào là đúng cách, đúng kĩ thuật? Thứ nhất, gây dựng lòng tin mãnh liệt với khách hàng về công ti và sản phẩm của mình. Trên thực tế, chúng ta phải cạnh tranh với nhiều đối thủ để giành được khách hàng, và để chiến thắng tất nhiên bạn cần giành được sự tin tưởng của khách hàng. Có nhiều cách để làm điều này, mà cách nhanh nhất là sử dụng đòn tâm lí. Chẳng hạn với lĩnh vực ô tô, các tập đoàn hàng đầu thế giới chế tạo ra đủ các mẫu xe để tham dự các cuộc đua để cho thấy những ưu điểm vượt trội trong sản phẩm của mình, nào là hệ thống phanh vô cùng tối tân đến động cơ bền bỉ hoạt động hết công suất trong nhiều giờ mà vẫn hoạt động tốt. Tất cả những cuộc đua cho phép doanh nghiệp quảng cáo để gây tín nhiệm cho khách hàng, với mong muốn khách hàng mua sản phẩm của mình vì nó tốt hơn của những nhà sản xuất khác. Thứ hai, đó là phải biết gây sự sợ hãi cho khách hàng để giữ thắng thế thuộc về mình. Khi một người sợ hãi thì sẽ không còn lí luận nữa, và tất nhiên sẽ tìm cách để lảng tránh nỗi sợ của mình. Ví dụ nếu doanh nghiệp của bạn đang tranh dành dự án nhà máy điện với một đối thủ khác, bạn có thể "kín đáo" cho khách hàng tình cờ thấy được rằng nội bộ của công ti đối thủ đang lục đục, nhà máy của họ vừa xây dựng vừa gặp sự cố,... tất nhiên nó sẽ khiến khách hàng của bạn hoài nghi về đối thủ và tăng khả năng chiến thắng cho phía bạn. Tuy nhiên sử dụng nỗi sợ hãi là con giao hai lưỡi, rất có thể đối thủ sẽ biết bạn chơi xấu hoặc khách hàng sẽ sớm bình tĩnh lại để nhìn nhận vấn đề khiến cho phía bạn khó xử trong nhiều trường hợp, vì vậy không nên quá lạm dụng phương pháp này. Thứ ba, yếu tố lâm lí cá nhân cũng đóng một vai trò lớn. Trong một cuộc thương thuyết về dự án đường sắt, tình cờ phía bên đoàn của tác giả có một anh kĩ sư là từng là đồng nghiệp của của vị trưởng đoàn bên phía đối tác. Tất nhiên là ông đã nhường vai thương thuyết cho người này và đúng như dự đoán, cuộc thương thuyết diễn ra nhanh chóng và hợp đồng được kí kết ngay sau đó. Sự tin tưởng này có lẽ bền chặt và diễn ra nhanh hơn một phần là do tình bạn giữa những người tri kỉ, qua đó cũng cho thấy một cá nhân cũng có thể tình cờ trở thành cứu cánh cho một cuộc thương thuyết đang đi vào ngõ cụt.
Thứ hai, đó là những người trung gian. Thoạt đầu nghe có vẻ lạ nhưng thực ra những người này luôn xuất hiện và có tác động một cách âm thầm đến những bên tham gia đàm phán. Lấy vi dụ như khi đi chợ, chúng ta vô tình gặp hàng xóm và biết được rằng thịt hàng chị kia mới về nên tươi hơn các hàng khác, điều này vô tình khiến cho chúng ta có khả năng mua hàng thịt được giới thiệu hơn là của các hàng khác. Người hàng xóm trong ví dụ trên là người trung gian, với vai trò là kết nối hai bên xa lạ đến với nhau để thương thuyết. Ngày nay thế giới chúng ta đang sống là một thế giới ngày càng mở, nơi mà các giao dịch đều đi qua những người không quen từ trước. Và càng không quen thì nhu càng có nhu cầu phải trung gian đáng tin cậy, làm việc chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Nhiều lúc trung gian không chỉ là người giới thiệu mà còn là người gián tiếp biểu đạt mong muốn của phía bên đối tác. Thông qua trung gian nhiều trường hợp có thể đoán được đối tác đang mong muốn gì từ phía của ta, thậm chí là biết được tại sao mà hai bên dù muốn nhưng vẫn không "khớp" với nhau khi thương thuyết. Tuy nhiên việc sử dụng trung gian trong thương thuyết cũng là một nghệ thuật, bên cạnh lợi ích mà họ đem lại thì cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro. Đầu tiên là họ không phải là người trong đội ngũ của bạn hay họ không hoàn toàn bên phe của bạn. Trung gian có thể rất thân với đối thủ cạnh tranh của bạn hoặc với khách hàng mà bạn đang thương thuyết, những bí mật của bạn có thể bị rò gỉ bởi trung gian nếu bạn thiếu cận thận. Và việc chọn trung gian không phải là việc dễ dàng gì, đặc biệt là khi bạn phải thương thuyết tại một quốc gia hoặc khu vực mà bạn chưa từng tới. Như vậy, trung gian chỉ có thể giúp chứ không thể thay thế công ty của bạn trong cuộc đấu thầu và trong cuộc thương thảo tiếp theo đó; họ là những người cần để thành công chứ không phải vì thế mà đủ.
Tiếp theo, trong mỗi cuộc thương thuyết thì chắc hẳn ai cũng cần một chỗ để nương tựa, và không đi đâu xa đó chính là ngân hàng. Có thể khẳng định những cuộc thương thuyết có giá trị càng lớn thì vai trò của ngân hàng càng quan trọng. Trong các dự án như vậy, họ không những đóng vai trò quản lí chi tiêu của dự án mà đôi khi họ còn tham gia trực tiếp vào việc tài trợ cho dự án. Họ nằm giữa mọi dòng tiền của dự án, từ giúp chủ đầu tư giải ngân cho đến bám sát từng khoản chi tiêu nhỏ nhất của công việc. Chẳng hạn, nếu công ty của bạn có kế hoạch mở rộng thị phần ở những khu vực hoàn toàn mới, và để làm được điều đó thì hơn hết chính là có chỗ dựa vững chắc là từ phía ngân hàng. Một vai trò khác của ngân hàng chính là ngân hàng sẽ giúp bạn đánh giá rủi ro, hơn ai hết những đánh giá từ phía ngân hàng luôn đáng tin cậy bởi vì đây cũng chính là việc họ giỏi nhất. Nếu một ngân hàng lựa chọn rút lui khỏi thị trường thị banh cũng nên noi theo gương ấy. Bên cạnh đó, ngân hàng là chỗ nương tựa kín đáo khi thông qua ngân hàng chúng ta biết được một số thông tin về đối tác của mình, mà nhiều khi những thông tin ấy chỉ ngân hàng mới có thể cung cấp. Ngoài ra ngân hàng cũng có những vai trò khác như thẩm định dự án, làm rõ các hình thức tài trợ,... mà có thể rất cần thiết, đặc biệt là trong các dự án lớn.
Người bạn tiếp theo mà chúng ta cần phải có trong mỗi cuộc đàm phán đó chính là luật pháp và luật sư. Thương thuyết giống như một cuộc chơi: cuộc chơi nào cũng có luật của nó, ngoài hai phe chính trong mỗi cuộc thương thuyết như người mua và người bán thì luôn có một phe thứ ba, họ nắm trong tay kết quả của cuộc chơi. Luật sư chính là người bảo vệ bạn hay công ty của bạn hữu hiệu nhất, bởi vì cuộc chơi nào cũng có luật chơi và bạn sẽ có ưu thế nếu bạn hiểu rõ luật chơi. Một khía cạnh nữa chính là pháp luật, tại các cuộc thương thuyết có quy môn lớn đương nhiên sẽ có sự tham gia của nhiều công ty từ các nước khác nhau, mỗi nước lại có quy định riêng. Điều quan trọng nhất khi thương thuyết các dự án này chính là chọn pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp có thể xảy ra. Chẳng hạn khi công ty của bạn làm việc với nước ngoài, không có gì cấm bạn chon luật Việt Nam, xét xử tại Việt Nam với quan tòa Việt Nam, tương tự như vậy không có gì cấm bạn nếu bạn chọn sử dụng luật nước ngoài bởi lẽ chưa chắc pháp luật Việt Nam đã hiệu quả hơn. Đây là việc mà bạn phải tìm hiểu và cân nhắc kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định lựa chọn và nên nhớ phải xem chi tiết và tình huống thì mới có thể kết luận được.
Phần 3: Những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự thành công của cuộc thương thuyết.
Ngoài các yếu tố chủ quan trên thì có một số yếu tố khách quan, tuy không lớn nhưng cũng có thể quyết định kết quả của cuộc thương thuyết, từ chỗ bế tắc đến thành công và ngược lại.Thứ nhất, đó chính là văn hóa. Người xưa hay nói "nhập gia tùy tục", điều này đặc biệt quan trọng nếu chúng ta phải tiếp những đối tác nước ngoài. Theo đó, đàm phán ở nơi nào thì phép lễ phải ở phong tục nơi đó. Nếu chúng ta là khách thì hãy đừng ngần ngại hỏi chủ nhà về văn hóa nơi xứ họ, tất nhiên họ sẽ chẳng ngần ngại chia sẻ cho chúng ta bởi vì chẳng có người nào mà lại không thích truyền bá văn hóa quê hương, dân tộc cả; bên cạnh đó việc này cũng khiến cho họ có thiện cảm với chúng ta hơn, nhờ thế mà thương thuyết vui vẻ hơn. Nếu là phận chủ nhà thì hãy chuẩn bị tiếp đón đối tác thật chu đáo nhưng không nên cố gượng ép bắt chước văn hóa của khách. Nhiều lúc phái đoàn nước ngoài sang Việt Nam, thay vì dạy cho họ theo phong tục của người Việt Nam thì chúng ta lại có khuynh hướng bắt chước họ, chúng ta chiều chuộng họ quá đáng, đi xa sự tiếp đãi nồng hậu, đôi khi tới biên giới của sự hầu hạ phục tùng.
Thứ hai chính là ngôn ngữ sử dụng trong thương thuyết. Trong thương thuyết thì phải chú trọng nói như thế nào để cho đối tác hiểu được ý muốn của phe ta, đừng ngần ngại đi thẳng vào vấn đề chứ đừng vòng vo. Điều này là vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với các cuộc thương thuyết sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, sẽ thật đau đầu và mất thời gian nếu hai bên cứ vòng vo, để mặc cho đối tác đoán mong muốn của chúng ta. Tuy nhiên phải chú ý rằng thẳng thắn chứ không phải là thật thà quá mức, không phải cái gì cũng nói cho đối thủ biết mà chỉ nói những thứ cần thiết, để cho đối tác hiểu rõ mong muốn của bản thân chứ đừng cho họ biết ai sẽ lãi, lỗ ra sao. Một điểm khác chính là biết lắng nghe, nếu không hiểu thì đừng ngần ngại yêu cầu bên kia giải thích vì thương thuyết cũng là giao tiếp, mà chỉ khi cả hai bên đều hiểu thì mới có thể tiếp tục thảo luận tiếp được
Thứ ba là cẩn mật. Dự án càng quan trọng thì điều này càng phải lưu ý, hãy nhớ rằng dù bạn đàm phán ở bất kì nơi đâu thì luôn có những nhóm xã hội đen luôn chực sẵn để buôn bán thông tin và dữ liệu. Bạn chỉ cần đánh tiếng là bạn ở khách sạn nào, phòng số mấy thì sẽ nhanh chóng có người đến liên lạc và mua thông tin, và nếu chỉ cần sơ hở một chút thì khả năng cao đối thủ sẽ biết hết chiến lược của công ty bạn ngay. Khi đàm phán các dự án có giá trị cao, bạn không nên ngây thơ rằng không có ai theo dõi bạn để rút tỉa thông tin quý báu, và chỉ trong giây lát nó có thể lọt vào tay đối thủ.
Lời kết: Cuốn sách "Một đời thương thuyết" của tác giả Phan Văn Trường là một cuốn sách thú vị về nghệ thuật thương thuyết, cuốn sách không hề máy móc, rập khuôn mà là sự đúc kết những tinh hoa, kinh nghiệm quý báu của một người thương thuyết cả cuộc đời. Cuốn sách là những mẩu truyện thú vị về những lần thương thuyết của tác giả từ Âu sang Á, đi qua nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều văn hóa và gặp gỡ nhiều người. Mỗi câu chuyện đều có những ấn tượng riêng khiến người đọc như có cái nhìn khác, rộng mở hơn về chủ đề thương thuyết trong công việc và cuộc sống. Đây là một cuốn sách hay và đáng đọc nếu bạn muốn tiến xa hơn trong công việc và đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
AlexDang1012
0 comments: