Monday, May 6, 2024

MAO TRẠCH ĐÔNG - MẶT TRỜI ĐỎ CỦA NHÂN DÂN TRUNG QUỐC (P.1)

Trên cao có một mặt trời tỏa sáng, và trong trái tim mỗi người dân Trung Quốc cũng có một mặt trời không kém phần rực đỏ - Mao Trạch Đông. Nhắc tới cái tên Mao Trạch Đông, khắp thế giới cộng sản lẫn thế giới phương Tây chẳng có mấy ai là không biết tới ông. Có người xưng tụng ông là nhà lãnh đạo xuất sắc của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, người đã tự mình tham dự rất nhiều trận mạc trong thời kỳ nội chiến, đã trực tiếp lèo lái đưa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các dân tộc Trung Hoa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lại có người không tiếc lời thóa mạ ông vì là kẻ gây ra cuộc cách mạng văn hóa hủy diệt biết bao văn hiến của một lịch sử Trung Nguyên 5000 năm văn vật, là kẻ phát động những chiến dịch cải cách sai lầm khiến cả một vùng Á Đông trải qua nhiều phen khốn đốn đến tận ngày nay… Tuy nhiên, bất kể được khắc họa dưới góc nhìn nào đi nữa, sự nổi tiếng của Mao Trạch Đông là một điều không thể bàn cãi.

Mao Trạch Đông được ví như mặt trời đỏ trong lòng người dân Trung Quốc đại lục

Vậy, cuộc đời của con người đầy những sự tích quanh mình này đã trải qua những gì mà khiến nhân loại đến nay vẫn còn chưa thể quên được sức ảnh hưởng to lớn, theo cả danh tiếng lẫn tai tiếng đến thế? Cùng mình tìm hiểu về cuộc dời của Mao Trạch Đông thông qua bài viết dưới đây nhé!

1, Thủa thiếu thời

Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng một nhân vật lịch sử tầm cỡ như Mao Trạch Đông thì hẳn phải có một tuổi thơ dữ dội, thực tế thì Mao đã trải qua một tuổi thơ “tương đối điển hình" so với những đứa trẻ cùng thời. Nhiều nhà sử học hiện đại nhận xét rằng chính vì lý do này mà các nhà viết tiểu sử trước đây cảm thấy khó "tìm thấy điều gì đó không ổn về cơ bản với Mao ngay từ khi còn nhỏ" mà họ hy vọng có thể giải thích sự phát triển sau này của ông, từ một người sát cánh bên nhân dân trở thành "một bạo chúa cách mạng".
Các ghi chép về tiểu sử của Mao Trạch Đông đều thống nhất rằng ông chào đời ngày 26 tháng 12 năm 1893 trong một gia đình địa chủ ở làng Thiều Sơn, huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Gia phả Mao tộc Thiều Sơn khẳng định Mao Thái Hoa là tổ phụ dòng họ. Theo đó, vị Mao tổ này quê gốc Giang Tây, sống vào giai đoạn Nguyên mạt Minh sơ, vì lánh nạn chiến tranh mà tới Hồ Nam an cư, sau đó bằng tài đức mà trở thành chúa đất của vùng.
Cha của Mao Trạch Đông, ông Mao Di Xương xuất thân vốn là nông dân nghèo, từng có thời tòng quân cho tổng đốc Hồ Quảng đời nhà Thanh. Dù gia cảnh nghèo khó, nhưng ông ta vừa có tính cần cù, vừa có đầu óc kinh doanh lại cũng rất tham lam. Sau khi giải ngũ, ông ta tranh thủ kinh doanh ngũ cốc và cho vay nặng lãi vào thời kì đói kém, nhanh chóng vươn lên trở thành một tiểu địa chủ có tiếng trong vùng. Một điểm tốt là dù đã trở nên giàu có, nhưng Mao Di Xương chỉ chung thủy với một bà vợ duy nhất là Văn Thất Muội, người đã chịu gả cho ông lúc nghèo khó. Với bà Văn, Mao Di Xương có ba người con: Mao Trạch Đông, con thứ Mao Trạch Dân (kém Mao Trạch Đông 3 tuổi) và con út Mao Trạch Đàm (kém Mao Trạch Đông tới 12 tuổi). Ngoài ra, ông ta cũng nhận nuôi một cô bé là Mao Trạch Hồng, trạc tuổi đứa con út.
Khi còn bé, Mao Trạch Đông cùng các em thường xuyên bị cha mắng phạt. Trong hồi ức của Mao, cha ông hiện lên như một người gia trưởng và nghiêm khắc đến quá đáng, thường đánh đập ông và các em vì những lỗi nhỏ nhặt nhất. Ngoài ra, sự tham lam của cha ông cũng khiến Mao Trạch Đông có ấn tượng không tốt với cha mình nói riêng và giới buôn bán nói chung.
Trái ngược với sự khắc nghiệt của chồng, mẹ của Mao Trạch Đông là một người đàn bà siêng năng, thấu cảm và tốt bụng. Khi còn bé, một trong những ấn tượng lớn nhất về mẹ đó là bà tuy không biết chữ nhưng rất sùng đạo. Cái tên đệm “Trạch” (có mang yếu tố nước) được đặt cho ông là vì một đạo sĩ được mời tới xem bói đã phán rằng ông thuộc mệnh khuyết thủy. Người ta còn kể rằng vì Mao Trạch Đông sinh ra vào giờ xấu, nên bà Văn đã nghe lời khuyên của một ni cô, thỉnh Quan Âm Bồ Tát về làm hộ mẫu thần cho ông. Dù vậy, có lẽ vị phật mẫu thần thực sự trong lòng Mao Trạch Đông lại chính là mẹ mình, khi bà thường xuyên bảo vệ anh em ông trước những trận đòn roi của người chagia trưởng.
Do sùng đạo mà bà Văn luôn muốn đứa con trai cả mình lớn lên sẽ tu nghiệp Phật tử. Suốt những năm tháng thơ ấu, Mao Trạch Đông thường xuyên được mẹ dẫn đi lên chùa làm lễ. Ban đầu, Mao Trạch Đông cũng rất ấn tượng với Phật giáo, đặc biệt là sau một lần ông thoát chết trong gang tấc khi bị hổ tấn công. Thế nhưng khi lớn lên, do có chí lớn mà ông cho rằng lối sống của nhà Phật không phù hợp với mình.
Như bao đứa trẻ khác vào thời điểm đó, khoảng 5, 6 tuổi, Mao Trạch Đông bắt đầu được gia đình giao cho phụ giúp việc đồng áng, chủ yếu là canh gia súc và chăn vịt. Lối sống thời thơ ấu đã ăn sâu vào tiềm thức Mao đến mức nhiều thói quen của ông được hình thành trong giai đoạn này sẽ được giữ mãi về sau. Chẳng hạn như ông sẽ không bao giờ quen với việc sử dụng bàn chải đánh răng, mà thay vào đó vẫn giữ thói quen súc miệng bằng trà như cách nông dân địa phương hay làm. Hoặc như việc ông thích tắm rửa bằng cách lau người hơn là bằng xà phòng và nước, một lần nữa phản ánh thói quen của địa phương khi ấy. Một dấu ấn là ẩm thực cay Hồ Nam đã khiến Mao trở thành một tín đồ của các món cay suốt đời.
Năm lên 8, Mao bắt đầu theo học tiểu học ở một ngôi trường làng truyền thống, dành phần lớn thời gian trên lớp đọc thuộc lòng các kinh điển của Nho gia. Dù có phần độc đoán và xa cách, nhưng Mao Di Xương vẫn luôn mong muốn các con của mình nên người. Ông cho rằng chỉ có bằng cách học đạo Thánh hiền thì mới có thể trở thành người thành công trong xã hội sau này. Do đó mà ông đã không tiếc tiền nhờ các thầy giáo kèm cặp cho con trai mình.
Thế nhưng chính sự cố gắng chăm chút cho con trai của Mao Di Xương lại sinh ra phản tác dụng. Khổng Giáo, thứ học thuyết lỗi thời khi ấy vẫn tuân theo cách dạy cổ lỗ sĩ dựa trên việc học thuộc lòng kinh sách, một cách học mà Mao Trạch Đông chán ghét. Vì chán ghét nên Mao Trạch Đông thường xuyên bỏ bê học hành và bị giáo viên “chăm sóc đặc biệt” bằng những trận đòn roi, chẳng khác gì việc cha làm với ông khi trước.

“Tôi đã ghét Khổng Tử từ năm 8 tuổi” - Mao Trạch Đông từng có lần chia sẻ.

Từ tâm lý ấy, Mao Trạch Đông quyết tâm học tập theo một hướng khác. Ông mải mê dùi mài những câu chuyện lịch sử, những tác phẩm văn học nhấn mạnh đến sự phá vỡ khuôn mẫu lỗi thời hoặc đấu tranh cho công lý. Tam Quốc Chí, Thủy hử, Tây Du Ký, Tùy Đường Diễn Nghĩa, Thuyết Nhạc toàn truyện... đều đã trở thành những cuốn sách gối đầu giường của ông.
Theo lời kể sau này của Mao Trạch Đông, chính tại thời điểm này, những gì đọc được đã truyền cho ông một niềm tin mãnh liệt vào việc “thay trời hành đạo”. Ông bắt đầu “thực hành” lối sống trượng nghĩa của mình bằng cách chia sẻ bữa trưa với một cậu bạn nghèo không đủ tiền mua thức ăn. Trong một lần khác, ông đánh nhau với một tên bắt nạt cùng lớp lớn tuổi hơn (và điều này khiến mẹ ông cực kì đau lòng vì bà là một người theo chủ trương “dĩ hòa vi quý” của nhà Phật). Trong một lần khác, khi giáo viên định đánh đòn Mao Trạch Đông thì ông đã tuyên bố bỏ học rồi đi vào trong rừng. Ông ở lì trong đó ba ngày, chỉ đến khi gia đình phải vào rừng tìm kiếm và thuyết phục thì mới chịu về.

2, Tuổi thiếu niên

Tuổi thơ dữ dội của Mao Trạch Đông cứ kéo dài như vậy đến năm ông 13 tuổi. Cảm thấy học hành như thế là đã đủ rồi, cha ông quyết định cho ông về nhà làm quen với nghiệp thương gia của gia đình. Ban đầu, quyết định này của cha khiến Mao Trạch Đông vô cùng vui sướng. Được thoát khỏi môi trường ngột ngạt đã giam giữ mình bao năm qua khiến ông trở nên hào hứng với công việc mới.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu khi các căng thẳng giữa ông và Mao Di Xương bắt đầu xuất hiện và dần leo thang. Lí do đầu tiên là bởi dù không còn đi học, nhưng ông vẫn tiếp tục đọc sách giải trí khi rảnh rỗi và thường thức tới khuya để làm việc này. Cha ông thì cho rằng đọc những thứ không thiết thực là lãng phí thời gian và tiền bạc nên đã cố gắng khiến ông từ bỏ thói quen này. Lí do thứ hai là Mao Trạch Đông không thích làm việc tay chân. Cha ông, vốn một người đi lên từ nông dân cho rằng đó là biểu hiện của sự lười nhác, ham hưởng thụ và rất phiền lòng về điều này. Lí do thứ ba và cũng quan trọng nhất, đó là quan điểm chính trị của ông không được lòng cha ông. Khi các cuộc khởi nghĩa nổ ra, Mao Trạch Đông đã công khai quan điểm ủng hộ các tổ chức này. Sau đó, khi cha ông bị những nạn dân chết đói - hậu quả của những cuộc khởi nghĩa kia cướp phá kho thóc, Mao tuyên bố hành động của những người này tuy có phần không đúng nhưng cũng phải thông cảm cho hoàn cảnh của họ (đến đây thì bạn hiểu vì sao cha của Mao Trạch Đông lại phát cáu với ông rồi đấy).
Để cho Mao Trạch Đông trưởng thành hơn, đầu năm 1908, cha ông quyết định sắp xếp một cuộc hôn nhân cho ông với La Nhất Tú - một cô gái hơn ông tới bốn tuổi. Dĩ nhiên là Mao Trạch Đông không muốn, nhưng ông cũng vẫn phải nghe theo sự sắp xếp của gia đình. Tuy vậy, sau khi tổ chức đám cưới, ông từ chối ngủ chung với vợ và bỏ nhà đến sống với Văn Vận Xương, một người anh em họ. Ở đó, ông tiếp tục đọc những tác phẩm lịch sử Trung Hoa như Sử ký của Tư Mã Thiên hay Hậu Hán thư của Ban Cố. Đồng thời, ông cũng được tiếp cận với những cuốn sách chính trị luận đương thời của các nhà cải cách và duy tân Trung Quốc nổi tiếng như Phùng Quế Phân, Trần Thiên Hoa. Mao cho rằng chính những cuốn sách này đã tạo nên ảnh hưởng to lớn đối tới tinh thần cách mạng trong tương lai của ông. Lý do là vì sau khi đọc chúng thì ông "cảm thấy chán nản về tương lai của đất nước mình và bắt đầu nhận ra rằng nhiệm vụ của tất cả mọi người là phải cứu lấy nó".

Một bức ảnh Mao Trạch Đông thời thiếu niên.

Hai năm sau, La Nhất Tú qua đời vì bệnh kiết lỵ. Mùa thu cùng năm, Mao Trạch Đông trở về xin cha cho phép ông theo học tại trường tiểu học Đông Sơn, cách Thiều Sơn 15 dặm. Ông chủ động xin đi học trở lại tại đó là bởi không giống như ở Thiều Sơn, cơ sở này dạy các môn hiện đại như khoa học tự nhiên. Thấy con trai thành tâm hối cải, Mao Di Xương rất vui mừng đồng ý.
Và thế là cậu bé Mao Trạch Đông mười sáu tuổi bắt đầu lên đường đến Đông Sơn cùng với Văn Vận Xương, người cũng đăng ký học ở đó. Ở đó, ông nhanh chóng kết bạn và trở nên thân thiết với Tiêu Tử Thăng và Tiêu San, con của một thầy giáo trong trường. Hai người bạn kể trên sau này sẽ tham gia cùng ông trong phong trào cộng sản và trở thành một trong những người viết tiểu sử đầu tiên của ông. Tuy nhiên, những người khác trong lớp thì thường xuyên cô lập và bắt nạt Mao Trạch Đông vì xuất thân nhà quê của ông.
Dù gặp nhiều khó khăn ở môi trường mới, nhưng Mao Trạch Đông vẫn thành công chứng tỏ thực lực của mình không hề thua kém ai. Ông được giáo viên quý mến nhờ sự chăm chỉ, khả năng nghị luận tốt và đặc biệt là đam mê đọc sách. Tại ngôi trường này, lần đầu tiên ông được học về địa lý và nâng cao kiến ​​thức về lịch sử Trung Quốc cổ đại. Ông cũng bắt đầu đọc về lịch sử nước ngoài, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cuốn sách có tựa đề Những anh hùng vĩ đại của thế giới, qua đó ông được truyền cảm hứng mãnh liệt bởi George Washington va Napoléon Bonaparte, những người nắm giữ khả năng lãnh đạo vượt trội và lòng nhiệt thành dân tộc của họ.

3, Những động thái cách mạng đầu tiên

Năm 1911, sau bảy, tám tháng học tại Đông Sơn, Mao Trạch Đông tiếp tục thuyết phục cha cho phép ông theo học trường trung học cơ sở ở Trường Sa. Lí do cho sự lựa chọn này của ông là bởi Trường Sa khi ấy là "một cái nôi cách mạng". Sự thù địch đối với chế độ quân chủ chuyên chế của Hoàng đế Phổ Nghi đang lan rộng trong quần chúng. Trong khi một số người ủng hộ việc chuyển đổi theo chủ nghĩa cải cách sang chế độ quân chủ lập hiến, hầu hết các nhà cách mạng đều ủng hộ chủ nghĩa cộng hòa. Và người đứng đầu đằng sau phong trào cộng hòa này không ai khác chính là Tôn Trung Sơn, một người theo đạo Cơ đốc được đào tạo ở Mỹ, người lãnh đạo một hội kín được gọi là Trung Quốc Đồng minh Hội.
Tại Trường Sa, Mao Trạch Đông chịu ảnh hưởng của tờ báo của Tôn Trung Sơn là tờ Dân báo. Ông đã háo hức viết bài tiểu luận chính trị đầu tiên của mình và đem dán lên tường trường học. Sau này, Mao Trạch Đông thừa nhận rằng tiểu luận này "có phần lủng củng”. Đại khái, nó liên quan đến ý tưởng của ông về việc thành lập một nước cộng hòa do Tôn Trung Sơn làm tổng thống, nhưng với những nhượng bộ nhất định dành cho những người theo phái ôn hòa bằng cách để Khang Hữu Vi làm thủ tướng và Lương Khải Siêu làm bộ trưởng ngoại giao.
Vào tháng 5 năm 1911, một phong trào đã được phát động ở Trung Quốc để phản đối việc chính quyền nhà Thanh bán quyền đường sắt cho ngoại quốc. Nhân dịp này, Mao Trạch Đông và các bạn cùng lớp của ông đã tham gia nhiệt tình. Như một biểu tượng của sự nổi dậy chống lại Hoàng đế Mãn Châu, Mao Trạch Đông và một người bạn đã cắt bím tóc đuôi sam của mình, trước khi tuyên truyền vận động (và đôi khi là cưỡng chế) cắt bím tóc của một số bạn cùng lớp.
Tháng 10 năm 1911, được truyền động lực từ chủ nghĩa cộng hòa của Tôn Trung Sơn, quân đội đã nổi dậy chống lại hoàng đế trên khắp miền Nam Trung Quốc, dẫn tới Cách mạng Tân Hợi. Trường Sa ban đầu vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chế độ quân chủ, với việc thống đốc ban bố thiết quân luật để dập tắt cuộc biểu tình. Khi lữ đoàn bộ binh bảo vệ thành phố đào tẩu theo cách mạng, thống đốc bỏ chạy, để lại thành phố vào tay quân cộng hòa. Ủng hộ cách mạng, Mao Trạch Đông gia nhập quân nổi dậy với tư cách là binh nhì, nhưng vì vài lí do mà ông không được tham gia chiến đấu.
Cuộc cách mạng dần tiến tới hồi kết khi Tôn Trung Sơn - được những người ủng hộ ông tuyên bố là "tổng thống lâm thời" - đã thỏa hiệp với tướng quân chủ Viên Thế Khải để tránh chiến tranh leo thang. Theo đó, chế độ quân chủ sẽ bị bãi bỏ, tạo ra Trung Hoa Dân Quốc, nhưng Viên Thế Khải sẽ trở thành tổng thống. Cách mạng Tân Hợi kết thúc, Mao Trạch Đông cũng thất vọng rời bỏ quân đội cộng hòa. Sáu tháng trong quân ngũ của ông cứ như một quãng thời gian trôi vào vô nghĩa. Cũng trong khoảng thời gian đầy chán chường này, từ một bài báo, ông vô tình khám phá ra thứ sẽ ảnh hưởng to lớn đến vận mệnh cuộc đời ông - chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, đó vẫn là chuyện của sau này, vì lúc này Mao Trạch Đông vẫn chưa xác định được con đường cách mạng cho mình. Ngoài chủ nghĩa cộng sản, ông cũng tiếp tục đọc thêm những tư tưởng khác như các tiểu luận của Giang Kháng Hổ, sinh viên sáng lập Đảng Xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cảm thấy không bị thuyết phục bởi những tư tưởng này.

4, Tiếp tục con đường học vấn

Rời xa quân đội và quay trở lại con đường học vấn, Mao Trạch Đông lần lượt đăng ký vào một số học viện, nhưng sau đó lại quyết định thôi học ngay sau đó. Học cảnh sát, trường sản xuất xà phòng, trường luật và trường kinh tế… đều trở thành những trải nghiệm thoáng qua trong giai đoạn này của ông.
Sau một loạt trường kể trên, Mao Trạch Đông quyết định tới Trường Trung học Trường Sa do chính phủ lâm thời điều hành. Tuy nhiên, chỉ học được một thời gian thì ông cũng sớm rời đi vì nhận thấy cốt lõi của nó là tư tưởng Nho giáo - thứ ông cực kì bài xích. Từ đây, ông cũng quyết định trở thành một nhà nghiên cứu độc lập.
Thực hiện nghiên cứu của mình một cách độc lập, ông dành nhiều thời gian ở thư viện công cộng Trường Sa, đọc các tác phẩm cốt lõi của chủ nghĩa tự do cổ điển như Sự giàu có của các quốc gia của Adam Smith và Tinh thần của pháp luật của Montesquieu, cũng như các tác phẩm của các nhà khoa học và triết học phương Tây như Charles Darwin, JS Mill, Jean-Jacques Rousseau và Herbert Spencer. Tự coi mình là một trí thức, nhiều năm sau ông thừa nhận rằng vào thời điểm này ông nghĩ mình giỏi hơn đại đa số người khi ấy. Lấy cảm hứng từ tác phẩm của Friedrich Paulsen, Mao hình thành quan điểm rằng những cá nhân mạnh mẽ không bị ràng buộc bởi các quy tắc đạo đức mà nên phấn đấu vì những điều tốt đẹp hơn. Nói cách khác, ông tin mục đích là thứ biện minh cho phương tiện.
Sau một thời gian theo dõi việc học hành của Mao Trạch Đông, nhận thấy việc theo đuổi tri thức của con trai mình không có ích lợi gì cho công việc của gia đình, cha ông đã cắt tiền trợ cấp. Từ đây, Mao chính thức xa rời cuộc sống thoải mái bấy lâu. Với nguồn ngân quỹ eo hẹp, ông phải chuyển đến một xóm trọ dành cho người nghèo khổ.
Mong muốn trở thành giáo viên, năm 1912, Mao Trạch Đông đăng ký vào Trường Sư phạm thứ tư của Trường Sa, một trường cao đẳng đào tạo giáo viên có tiêu chuẩn cao nhưng học phí thấp và chỗ ở rẻ. Vài tháng sau, nó sáp nhập với Trường Sư phạm Đầu tiên ở Trường Sa, được nhiều người coi là trường học tốt nhất ở Hồ Nam đương thời. Tại đây, nhờ những đức tính tốt đẹp của mình mà Mao Trạch Đông đã được làm quen và kết thân với Giáo sư Đạo đức Dương Xương Tế, một trí thức có tinh thần cách mạng.

Dương Xương Tế - người vừa là thầy vừa là cha vợ Mao Trạch Đông.

Giáo sư Dương Xương Tế đã khuyến nghị Mao Trạch Đông đọc một tờ báo cấp tiến tên là Tân Thanh Niên, tác phẩm của Trần Độc Tú, Trưởng khoa Văn học tại Đại học Bắc Kinh và cũng là bạn giáo sư. Mặc dù là một người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, Trần Độc Tú cho rằng Trung Quốc phải nhìn về phương Tây, áp dụng "Ông Dân chủ và Ông Khoa học" để tự xóa bỏ mê tín và chuyên quyền. Những thông tin này nhìn chung rất hợp với tư tưởng của Mao Trạch Đông.
Trong năm học đầu tiên, Mao gặp lại Tiêu Tử Sinh, người bạn từng học cùng trường với ông ở Đông Sơn năm nào. Cả hai nhanh chóng đánh cặp với nhau trong nhiều cuộc chơi, từ những buổi dạo chơi quanh Hồ Nam cho tới viết những câu đối để kiếm tiền và thậm chí đôi lúc là cả hành nghề… khất thực. Năm 1915, Tiêu Tử Sinh tốt nghiệp, tuy nhiên cả hai vẫn giữ liên lạc đều đặn với nhau. Từ tháng 8 năm 1915 đến tháng 7 năm 1916, Tiêu Tử Sinh và Mao Trạch Đông đã trao đổi thư từ 13 lần, chủ yếu thảo luận về thế cuộc và các sự kiện lớn đương thời.
Là một sinh viên nổi tiếng, Mao Trạch Đông vẫn hoạt động chính trị trong trường học. Nhờ sự chuyên cần của mình mà năm 1915, ông được bầu làm thư ký của Hội sinh viên. Ông đã sử dụng chức vụ của mình để thành lập Hiệp hội Sinh viên Tự quản, dẫn đầu các cuộc biểu tình chống lại những nội quy bất hợp lý của trường. Vào mùa xuân năm 1917, ông được bầu làm chỉ huy đội quân tình nguyện của sinh viên, được thành lập để bảo vệ trường học khỏi sự cướp bóc của quân lính lãnh chúa và bọn cướp. Trong vai trò lãnh đạo, ông đã thể hiện sự sáng suốt của mình khi trang bị cho những đội quân này những giáo tre tạm thời và súng trường bằng gỗ để đe dọa kẻ thù. Hiệu trưởng đương thời Khổng Chiêu Thọ đã có lời nhận khen dành cho ông: "Tất cả giáo viên và học sinh trong trường đều nói: Mao Trạch Đông vô cùng dũng cảm".
Sau những thành công ấy, Mao Trạch Đông gày càng hứng thú với nghệ thuật chiến tranh, thường xuyên theo dõi những diễn biến mới nhất về Thế chiến thứ nhất. Cùng với đó, tinh thần cách mạng của ông cũng dần có sự biến chuyển. Ông bắt đầu phát triển tinh thần đoàn kết với người lao động thay vì chỉ nhắm tới đối tượng trí thức như trước kia. Để thể hiện tinh thần cách mạng, Mao Trạch Đông đã cùng với hai người đồng chí là Tiêu Tử Sinh và Thái Hòa Sâm thực hiện những kỳ tích về sức bền thể chất để làm gương cho mọi người. Sau này, Mao Trạch Đông có kể lại trong niềm tự hào rằng ông xem mình, Tiêu Tử Sinh và Thái Hòa Sâm khi ấy tựa như “Tam Anh” của Tam Quốc Diễn Nghĩa vậy.
Vào tháng 4 năm 1917, Mao Trạch Đông đăng bài viết đầu tiên của mình, "Nghiên cứu về văn hóa thể chất", trên tờ Tân Thanh Niên. Bài viết hướng dẫn độc giả tăng cường thể lực để phục vụ cách mạng. Sau đó, ông gia nhập Hiệp hội Nghiên cứu Vương Phu Chi, một nhóm cách mạng được thành lập bởi giới văn nhân Trường Sa, những người mong muốn noi gương Vương Phu Chi, một biểu tượng lịch sử cho cuộc kháng chiến của người Hán trước cuộc xâm lược của Mãn Châu. Cũng trong khoảng thời gian này, nhờ sự nổi tiếng của mình trong giới sinh viên mà ông đã thiết lập thành công quy tắc “ba điều không nên nói” trong trường: thứ nhất không nói chuyện tiền bạc, thứ hai không nói chuyện nam nữ, thứ ba không nói chuyện gia đình tầm thường.
Vào tháng 4 năm 1918, cùng với những nhà cách mạng trẻ khác, nhóm “Tam Anh” thành lập tổ chức của riêng mình, lấy tên là Tân Dân Hội. Mục tiêu của hội này tóm gọn trong một khẩu hiệu duy nhất: "đổi mới học thuật, rèn luyện ý thức và nâng cao đạo đức của mọi người". Với mong muốn cách mạng hóa xã hội, Hội đã thu hút được từ 70 đến 80 thành viên, trong đó có một số phụ nữ, nhiều người trong số họ sẽ gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc sau này.
Vào tháng 6 năm 1919, Mao Trạch Đông chính thức tốt nghiệp. Thành tích của ông thuộc dạng cực kì xuất sắc, thuộc top 3 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất trong năm đó. Như vậy là kết thúc quãng thời gian 5 năm Mao Trạch Đông theo học tại Đại học Sư phạm số 1 tỉnh Hồ Nam.

5, Chính thức bước chân vào giới cách mạng

Sau khi tốt nghiệp, ngày 15 tháng 8 năm 1918, Mao Trạch Đông rời Trường Sa đến Bắc Kinh, nơi thầy ông là Dương Xương Tế được thuyên chuyển công tác tới. Sau khoảng 1 tháng, thầy Dương đã giới thiệu ông đảm nhận vị trí trợ lý cho thủ thư trường đại học Lý Đại Chiêu, người sau này sẽ trở thành một trong những Đảng viên Cộng sản Trung Quốc thời kỳ đầu. Sự tác động của ông Lý có lẽ đã phần nào ảnh hưởng tới con đường cách mạng sau này của Mao Trạch Đông. Do tính chất công việc, ông thường được Lý Đại Chiêu giao cho đọc các tài liệu về chủ nghĩa Marx. Đồng thời, thi thoảng ông cũng phải tham gia các cuộc thảo luận sinh viên do ông Lý tổ chức. Những cuộc thảo luận này bàn về nhiều xu hướng tư tưởng mới của thế giới và Trung Quốc, cung cấp cho Mao Trạch Đông thêm nhiều góc nhìn mới từ vi mô đến vĩ mô. Cũng trong khoảng thời gian này, Mao Trạch Đông và con gái của thầy Dương là Dương Khai Tuệ đã trở thành bạn thân và dần nảy sinh tình cảm với nhau.
Trở nên "ngày càng cấp tiến", Mao Trạch Đông ban đầu bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa vô chính phủ của Peter Kropotkin, học thuyết cấp tiến nổi bật nhất thời đó. Những người theo chủ nghĩa vô chính phủ Trung Quốc, chẳng hạn như Thái Nguyên Bồi, Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, kêu gọi một cuộc cách mạng xã hội toàn diện trong các mối quan hệ xã hội, cơ cấu gia đình và sự bình đẳng của phụ nữ, thay vì sự thay đổi đơn giản trong hình thức chính phủ như các nhà cách mạng trước đó. Mao Trạch Đông tỏ ra rất ấn tượng với những lời kêu gọi này. Khi một số bạn bè của ông đã tham gia dự án Mouvement Travail-Études do phe vô chính phủ tổ chức để sang Pháp du học, Mao Trạch Đông ban đầu muốn tham gia nhưng do tiếng Pháp không tốt nên đã từ chối. Tuy vậy, để ủng hộ, ông đã tích cực cổ động gây quỹ cho dự án.
Ngày 25 tháng 1 năm 1919, Hội Nghiên cứu Triết học Đại học Bắc Kinh được thành lập, Mao Trạch Đông tới dự thính các khóa học tại Đại học Bắc Kinh. Tới ngày 19 tháng 2, Mao Trạch Đông lại tham dự thêm cuộc họp tái tổ chức Hội Nghiên cứu Báo chí Đại học Bắc Kinh. Sau đó, ông tiếp cận được với Thiệu Phiêu Bình, chủ tịch tờ Tin tức Bắc Kinh, tại khóa học "Lý thuyết và thực hành báo chí" do người này chủ trì. Sau đó, ông đã đến thăm ông Thiệu nhiều lần và nhận được sự hỗ trợ tài chính tương đối đáng kể.

Một bức ảnh chân dung Mao Trạch Đông được chụp ảnh vào năm 1919.

Vào ngày 12 tháng 3, nhận được tin mẹ đổ bệnh nặng, Mao Trạch Đông rời Bắc Kinh để trở về Hồ Nam. Tuy nhiên, trên đường, ông quyết định đổi hướng tới Thượng Hải để tiễn những du học sinh của hội vô chính phủ đang chuẩn bị lên tàu sang Pháp. Dọc đường, ông bị kẻ gian trộm mất sạch tiền nhưng may mắn đã có người bỏ tiền giúp đỡ ông tới nơi kịp lúc. Ngày 15 tháng 3, Mao Trạch Đông tham dự bữa tiệc chia tay sinh viên du học Pháp do Hiệp hội sinh viên Trung Quốc toàn cầu tổ chức tại Thượng Hải.
Sau khi tiễn các bạn lên đường tìm đường cứu nước, ngày 6 tháng 4, Mao Trạch Đông từ Thượng Hải trở về Trường Sa thăm mẹ. Đó chỉ là một cuộc gặp ngắn ngủi, nhưng ông đã đích thân phục vụ và nấu cho bà một ít thuốc sắc. Sau đó, ông tới gặp mặt trực tiếp các thành viên cốt cán của Tân Dân Hội tại Hồ Nam để chủ trì công việc. Nhằm giải quyết vấn đề tiền bạc trong cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp cách mạng tại đây, Mao Trạch Đông xin vào làm việc trường Tiểu học Trường Sa. Tại đây, ông phụ trách dạy các lớp lịch sử. Ngoài giờ làm việc ông, ông cũng tranh thủ cùng Tân Dân Hội bắt liên hệ với giới báo chí và các sinh viên trẻ có tinh thần cách mạng trong vùng.

6. Phong trào Ngũ Tứ

Vào ngày 4 tháng 5 năm 1919, phong trào Ngũ Tứ bùng nổ tại Bắc Kinh, gây chấn động toàn Trung Quốc. Tin tức về phong trào lan đến Hồ Nam, Mao Trạch Đông lập tức liên lạc với các thành viên của Tân Dân Hội, học sinh chủ chốt của các trường, đại diện báo chí và giới giáo dục để trao đổi quan điểm và đề xuất đề xuất phát động phong trào yêu nước ở Hồ Nam; Vào giữa tháng 5, Liên đoàn Sinh viên Bắc Kinh cử Đặng Trung Hạ đến Hồ Nam để giới thiệu tình hình phong trào sinh viên Bắc Kinh với Mao Trạch Đông và những người khác, đồng thời thảo luận về việc khôi phục và tổ chức lại của Liên đoàn Sinh viên Hồ Nam ban đầu.
Ngày 28 tháng 5, Liên đoàn sinh viên Hồ Nam mới được thành lập dưới sự lãnh đạo Bành Hoàng, một thành viên của Tân Dân Hội và được cố vấn bởi chính Mao Trạch Đông. Một cuộc biểu tình quy mô lớn của sinh viên Hồ Nam sau đó nổ ra. Tạp chí cấp tiến hàng tuần phục vụ phong trào, Tương Giang Tạp chí cũng được Mao Trạch Đông ra mắt. Trong tạp chí, ông viết nhiều bài viết ủng hộ sự cần thiết của một "Đại liên hiệp quần chúng nhân dân" và củng cố các công đoàn có khả năng tiến hành cách mạng bất bạo động. Tất nhiên, ý tưởng này của Mao Trạch Đông khi ấy không thực sự liên quan gì tới chủ nghĩa Marx, mà là từ khái niệm tương trợ của Kropotkin. Dù vậy, ý tưởng của ông và chủ nghĩa Marx mà ông theo sau này vẫn có những sự tương đồng nhất định, tạo tiền đề cho sự chuyển đổi trong tư tưởng về sau này.
Vào mùa thu năm 1919, Mao Trạch Đông tổ chức một hội thảo tại Trường Sa nghiên cứu các vấn đề kinh tế và chính trị, cũng như các cách thức đoàn kết nhân dân, tính khả thi của chủ nghĩa xã hội và các vấn đề liên quan đến Nho giáo. Trong thời kỳ này, ông tham gia vào công tác chính trị với những người lao động chân tay, thành lập các trường học ban đêm và công đoàn. Tới tháng 12 năm 1919, Mao giúp tổ chức một cuộc tổng đình công ở Hồ Nam và đạt được một số yêu sách, nhưng Mao Trạch Đông và các thủ lĩnh sinh viên khác cảm thấy bị Thống đốc Hồ Nam là Trương Kính Nghiêu đe dọa tới tính mạng. Mao Trạch Đông sau đó trở về Bắc Kinh tạm lánh. Tranh thủ dịp này, ông cũng tới thăm thầy Dương Xương Tế, lúc đó đang bị bệnh nan y.
Trong thời gian tạm lánh, các bài báo của Mao Trạch Đông dần thu được kết quả khả quan. Hầu hết trong số chúng đều đã đạt được mức độ nổi tiếng trong phong trào cách mạng, và Mao Trạch Đông quyết định bắt đầu kêu gọi ủng hộ việc lật đổ Thống đốc Trương.
Tuy bị cấm đoán gắt gao, nhưng Mao Trạch Đông và hội nhóm của mình vẫn hoạt động một cách tích cực. Ngày 18 tháng 6 năm 1920, Mao Trạch Đông đăng bài Quyền tự quyết của người Hồ Nam trên tờ Thời sự tân báo của Thượng Hải. Trong đó, ông có viết: “Sự suy đồi của xã hội và sự suy đồi của dân tộc không thể được làm sáng tỏ cũng như loại bỏ, trừ khi chúng bị nhổ tận gốc rễ bằng những nỗ lực to lớn. Loại trách nhiệm này là trách nhiệm của người dân cả nước chứ không phải trách nhiệm của một số quan chức, chính trị gia, quân nhân... Vận mệnh Hồ Nam phải do toàn thể người dân Hồ Nam quyết định". Ngày 3 tháng 9 cùng năm, Mao Trạch Đông lại tiếp tục đăng bài "Các vấn đề cơ bản của các vấn đề xây dựng Hồ Nam - Cộng hòa Hồ Nam" trong chuyên mục "Các vấn đề xây dựng Hồ Nam" mới trên tờ "Đại Công Báo" của Trường Sa. Trong bài báo, ông nêu lên quan điểm của mình: "Còn Trung Quốc thì sao? Nó cũng đã thức tỉnh (ngoại trừ các chính trị gia, quan chức và quân phiệt). Kinh nghiệm 9 năm cộng hòa giả tạo và các cuộc đại chiến đã buộc người dân phải thức tỉnh và nhận ra rằng công cuộc xây dựng đất nước nói chung là hoàn toàn vô vọng trong khoảng thời gian này, cách tốt nhất đơn giản là không quy hoạch xây dựng tổng thể mà phải chia nhỏ quy hoạch xây dựng từng tỉnh, thực hiện “quyền tự quyết của người dân mỗi tỉnh”. Các khu hành chính đặc biệt và hai thái ấp, tổng cộng có hai mươi bảy địa điểm, tốt nhất nên chia thành hai mươi bảy quốc gia.”
Mao sau đó đến thăm Thiên Tân, Tế Nam và Khúc Phụ, trước khi chuyển đến Thượng Hải, nơi ông làm thợ giặt và gặp Trần Độc Tú. Sau này, mỗi khi nhớ lại quãng thời gian quý báu ấy, Mao Trạch Đông vẫn luôn ca ngợi việc ông Trần áp dụng chủ nghĩa Marx đã gây ấn tượng sâu sắc với mình". Cũng tại Thượng Hải, Mao Trạch Đông gặp lại người thầy cũ của mình, Dịch Bồi Cơ, lúc ấy đã là một nhà cách mạng có tiếng tăm và là thành viên của Đảng Quốc dân Trung Quốc. Khi đó, đảng đang ngày càng nhận được sự ủng hộ và ảnh hưởng. Nhờ quan hệ tốt với thầy, Mao Trạch Đông đã dược họ Dịch giới thiệu với Tướng Đàm Diên Khải, một thành viên cấp cao của Quốc Dân Đảng, người có được lòng trung thành của lực lượng quân đội đang đóng dọc biên giới Hồ Nam với Quảng Đông. Tướng Đàm khi ấy đang có kế hoạch lật đổ Thống đốc Trương. Chí lớn gặp nhau, Mao Trạch Đông đã hỗ trợ tướng Đàm không thể nhiệt tình hơn nữa bằng cách tổ chức các sinh viên Trường Sa tham gia cuộc nổi dậy. Tháng 6 năm 1920, tướng Đàm dẫn quân vào Trường Sa, buộc Thống đốc Trương phải bỏ chạy. Trong cuộc tái tổ chức chính quyền tỉnh sau đó, nhờ có những đóng góp to lớn của mình mà Mao Trạch Đông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng khối cơ sở của Trường Sư phạm Đầu tiên. Bây giờ nhận được một khoản thu nhập lớn, ông lập tức kết hôn với Dương Khai Tuệ vào mùa đông năm 1920.

7. Bước ngoặt trên con đường chính trị

Cuối năm 1920, bước ngoặt trên con đường cách mạng của Mao Trạch Đông đã đến. Trước đó, trong quãng thời gian đi lại giữa các tỉnh, ông đã tình cờ đọc được tác phẩm văn học Marxist mới nhất được dịch sang tiếng Trung - đặc biệt là Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản bản nguyên nghĩa. Những tác phẩm ấy đã khiến ông ngày càng chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa cộng dản. Nhưng do duy trì quan điểm chiết trung nên Mao Trạch Đông vẫn chưa thực sự ngả hẳn về phía quốc tế cộng sản. Dù vậy, theo xu thế xã hội bấy giờ, ông vẫn tham gia thành lập Nhóm Cộng sản Trường Sa và Đoàn Thanh niên Xã hội Chủ nghĩa Trường Sa.
Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập bởi Trần Độc Tú và Lý Đại Chiêu tại Tô giới Pháp Thượng Hải vào đầu năm 1921 với tư cách là một hiệp hội nghiên cứu và mạng lưới chính trị không chính thức. Mao Trạch Đông cũng được Trần Độc Tú giao cho nhiệm vụ thành lập chi nhánh Trường Sa, đồng thời thành lập chi nhánh Đoàn Thanh niên Xã hội chủ nghĩa và Hội Sách Văn hóa, mở hiệu sách tuyên truyền văn học cách mạng khắp Hồ Nam. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ được giao phó, ông vẫn tích cực tham gia vào phong trào đòi quyền tự trị cho Hồ Nam, với hy vọng rằng hiến pháp Hồ Nam sẽ tăng cường quyền tự do dân sự và làm cho hoạt động cách mạng của ông trở nên dễ dàng hơn nữa.
Ngày 23 tháng 7 cùng năm, Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức với 13 đại biểu tham dự, Mao Trạch Đông vinh dự có mặt trong cuộc họp với tư cách là đại diện Trường Sa và chịu trách nhiệm ghi chép lại nội dung cuộc họp. Người ta kể lại rằng, cuộc họp đã phải di dời địa điểm khi diễn ra dở chừng do sự khám xét của cảnh sát, nhưng suốt quá trình ấy Mao Trạch Đông vẫn cần mẫn ghi chép mà không bỏ sót chi tiết quan trọng nào. Sau cuộc họp, Mao Trạch Đông lần lượt giữ chức Bí thư Quận ủy Hồ Nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Giám đốc Chi bộ Hồ Nam của Ban Bí thư Liên hợp Lao động Trung Quốc, và Tổng Giám đốc Liên đoàn Công đoàn tỉnh Hồ Nam.
Công việc của Mao Trạch Đông trong vai trò một lãnh đạo cộng sản thời điểm ban đầu tập trung vào phổ cập kiến thức cách mạng cho quần chúng. Vào tháng 8 năm 1921, ông thành lập Đại học Tự học, qua đó độc giả có thể tiếp cận với văn học cách mạng, đặt trong khuôn viên của Hiệp hội Nghiên cứu Vương Phu Chi. Ông cũng khuyến khích mọi người tham gia Phong trào Giáo dục Đại chúng do nước ngoài hỗ trợ để chống nạn mù chữ, mặc dù bản thân ông đã biên tập sách giáo khoa để đưa vào những quan điểm cấp tiến phù hợp với đường lối cách mạng hơn.
Ngoài khuyến học, Mao Trạch Đông vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc đình công chống lại chính quyền hà khắc của Thống đốc Hồ Nam đương nhiệm là Triệu Hằng Thích. Theo ghi nhận từ nhiều nguồn tư liệu, Mao Trạch Đông khi ấy không chỉ huy động thợ mỏ ở mỏ An Viễn đình công mà còn thành lập trường học, hợp tác xã và thu hút trí thức địa phương, quý tộc, sĩ quan quân đội, thương gia, dân giang hồ rồi thậm chí cả giáo sĩ nhà thờ tham gia cùng. Sự thành công trong tổ chức chính trị của Mao ở mỏ An Viễn dẫn đến việc Trần Độc Tú mời ông trở thành ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản sau này.
Tuy nhiên, khi Đại hội lần thứ hai của Đảng Cộng sản ở Thượng Hải vào tháng 7 năm 1922 diễn ra, Mao Trạch Đông lại không tham gia. Theo tuyên bố của Mao Trạch Đông, ông không tới vì… để lạc mất địa chỉ. Dù vậy, sự vắng mặt của ông không quá ảnh hưởng tới vị trí của ông vì ngay sau cuộc họp, ông đã được giao cho một trọng trách quan trọng: trở thành một trong những đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt tay hợp tác với Quốc dân Đảng Trung Quốc.

9. Hợp tác với Quốc dân Đảng

Áp dụng lời khuyên của Lenin, các đại biểu của Đại hội lần thứ hai của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thống nhất chủ trương liên minh với "các nhà dân chủ tư sản" của Quốc Dân Đảng vì lợi ích của "cách mạng dân tộc". Các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc nổi bật nhất được giao nhiệm vụ gia nhập Quốc Dân Đảng với hy vọng thúc đẩy và định hướng nền chính trị của đảng này sang cánh tả. Mao nhiệt tình đồng ý với quyết định này, lập luận về một liên minh giữa các tầng lớp kinh tế xã hội của Trung Quốc, và cuối cùng trở thành người đứng đầu tuyên truyền của Quốc Dân Đảng.
Ngoài tuân theo chỉ thị hợp tác của Quốc tế Cộng sản, một trong những mục tiêu của Mao Trạch Đông khi tham gia vào các hoạt động của Quốc dân Đảng, đó là gây dựng sức ảnh hưởng nhằm hỗ trợ Tôn Trung Sơn, người mà ông cho rằng có thể làm nên đại nghiệp, tổ chức lại Quốc dân đảng Trung Quốc. Tháng 9 năm 1922, Mao Trạch Đông gia nhập Quốc dân đảng Trung Quốc và giữ vai trò thành viên cốt cán cho đến khi "Sự kiện 15 tháng 7" nổ ra vào năm 1927. Hồ Hán Dân và Vương Tinh Vệ sau đó từng tiến cử Mao Trạch Đông cho Tôn Trung Sơn. Nhờ vào tài năng lãnh đạo thiên bẩm của mình, Mao Trạch Đông sau đó thăng tiến một cách thuận buồm xuôi gió, được bầu làm ủy viên điều hành dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội toàn quốc lần thứ nhất và lần thứ hai của Quốc dân đảng.
Tháng 6 năm 1923, Mao Trạch Đông tới Quảng Châu dự Đại hội toàn quốc lần thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 2 năm 1924, tại Đại hội Quốc dân đảng lần thứ nhất tổ chức ở Quảng Châu đầu năm 1924, Mao được bầu làm Bí thư Ban Tổ chức Ban Chấp hành Thượng Hải Quốc dân đảng Trung Quốc và đưa ra bốn nghị quyết phân cấp quyền lực cho các cơ quan thành thị và nông thôn. Như vậy là trong giai đoạn này, Mao Trạch Đông đã giữ các chức vụ quan trọng trong cả hai đảng Cộng sản và Quốc dân. Cũng vì lí do này mà Ma Trạch Đông đã bị một số thành viên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc quan ngại, đặc biệt là nhà cách mạng lão thành Lý Lập Tâm. Như một cách để chứng minh cho sự trong sạch của mình, Mao Trạch Đông vẫn duy trì đóng góp tích cực cho cả hai đảng này. Tới tháng 12 cùng năm, do làm việc quá sức, Mao Trạch Đông lâm bệnh và phải trở về Hồ Nam để tĩnh dưỡng.
Trong thời gian tĩnh dưỡng, Mao Trạch Đông nhận thấy giai cấp nông dân đang ngày càng bất bình và một số đã chiếm đoạt đất đai của các địa chủ giàu có để thành lập công xã. Điều này đã thuyết phục ông về tiềm năng cách mạng của giai cấp nông dân. Có một sự thật thú vị đó là ý tưởng tận dụng sức mạnh của giai cấp nông dân lại được những người cánh tả Quốc dân đảng ủng hộ chứ không phải những người Cộng sản đương thời. Vào mùa đông năm 1925, Mao trốn sang Quảng Châu sau khi các hoạt động cách mạng của ông thu hút sự chú ý của chính quyền quân phiệt Hồ Nam. Tại đây, ông điều hành Học viện Huấn luyện Phong trào Nông dân của Quốc dân đảng khóa thứ 6 từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1926. Học viện dưới thời Mao đã đào tạo ra một lượng lớn cán bộ có năng lực, đóng góp không nhỏ những chiến dịch về sau.
Khi lãnh đạo đảng Tôn Trung Sơn qua đời vào tháng 3 năm 1925, vai trò lãnh đạo Quốc dân Đảng được giao cho Tưởng Giới Thạch. Chỉ hai tháng sau khi nắm quyền, Tưởng Giới Thạch đã cắt giảm đáng kể quyền lực của những thành phần cánh tả trong Quốc Dân Đảng và hạn chế sức ảnh hưởng của những đồng minh Cộng sản. Dù thế, Mao Trạch Đông vẫn ủng hộ Quân đội Cách mạng Quốc gia của Tưởng Giới Thạch.
Sau Phong trào 30 tháng 5 năm 1925, Mao Trạch Đông và những người khác lấy khẩu hiệu “Đả đảo ngoại bang, rửa sạch quốc nhục” làm khẩu hiệu, lấy các hợp tác xã nông nghiệp bí mật làm nòng cốt tại hơn 20 ngôi làng ở Thiệu Sơn như một thí điểm cơ bản cho phương pháp cách mạng dân tộc. Vào giữa tháng 6, Mao Trạch Đông và những người khác đã thành lập chi bộ Thiệu Sơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày 28 tháng 8 cùng năm, Thống đốc Hồ Nam là Triệu Hằng Thích ra lệnh cho Cục Phòng vệ Đoàn Thanh niên huyện Tương Đàm truy bắt Mao Trạch Đông nhưng Mao Trạch Đông đã trốn thoát được. Tới tháng 9, Uông Tinh Vệ, Chủ tịch Chính phủ Quốc gia, do bận công việc chính phủ và không thể giữ chức Bộ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương của Quốc dân đảng Trung Quốc nên đã tiến cử Mao Trạch Đông làm Quyền Bộ trưởng Tuyên truyền vào ngày 5 tháng 10.
Ngày 28 tháng 1 năm 1926, Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp tại Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Quốc dân đảng. Mao Trạch Đông báo cáo nghị quyết của Ủy ban xét duyệt tuyên truyền và được bầu làm Ủy viên chấp hành dự khuyết Trung ương còn Tưởng đưa ra đề xuất cải thiện đời sống kinh tế của binh lính và được bầu làm Ủy viên Chấp hành Trung ương. Ngày 19 tháng 3 cùng năm, Mao Trạch Đông được bổ nhiệm làm giám đốc Hội thảo Phong trào Nông dân Quốc dân Đảng lần thứ sáu. Trong nhiệm kỳ của mình, Mao Trạch Đông đã đào tạo một số lượng lớn trụ cột của phong trào nông dân cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày 25 tháng 5 cùng năm, Mao Trạch Đông từ chức Quyền Bộ trưởng Tuyên truyền do chấn chỉnh công tác đảng.
Tháng 7 năm 1926, chiến dịch Bắc phạt do Tưởng Giới Thạch phát động chính thức bắt đầu. Cùng với đó, các cuộc bạo động của tầng lớp nông dân theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bùng nổ tại nhiều nơi. Tuy nhiều cuộc bạo động của nông dân đã hỗ trợ cho công cuộc Bắc phạt của Quốc dân Đảng, nhưng cũng có trường hợp những cuộc bạo động này diễn ra theo chiều hướng tiêu cực khi nhiều địa chủ đã bị tàn sát dã man cũng như gây ra nhiều thiệt hại vật chất không đáng có. Những cuộc bạo động như vậy đã khiến một số nhân vật cấp cao của Quốc dân Đảng, những người vốn là địa, tức giận và gây ra sự bất hòa sâu sắc giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hệ quả là sự chia rẽ giai cấp và ý thức hệ ngày càng tăng trong phong trào cách mạng, báo hiệu một cuộc nội chiến sắp sửa đến gần.

Tiểu kết

Trên đây là toàn bộ nội dung phần đầu tiên của bài viết Mao Trạch Đông - Mặt trời đỏ trong lòng người dân Trung Quốc. Nếu cảm thấy bài viết này hay thì hãy cho mình xin một upvote nhé. Ngoài ra, nếu có điểm nào bạn thấy chưa hợp lí hoặc muốn thảo luận thêm thì để lại cmt dưới phần bình luận nha, mình sẽ cố hết sức để giải đáp trong phạm vi hiểu biết của mình. Hẹn gặp lại các bạn trong phần tiếp theo nhé!

#Backturn
Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: