Giảng dạy vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật- nghe qua có lẽ bạn và tôi đã ấn tượng những mỹ từ này hàm ý có quá nhiều điều cần tìm hiểu, suy ngẫm, trải nghiệm. Nhưng nếu chìm ngập trong mớ lý thuyết (và tin hoàn toàn vào lý thuyết) thì bạn sẽ bị chán nản và trở nên sợ hãi việc thực hành để rồi quyết định cố thủ trong mớ lý thuyết do người khác tạo ra hoặc bản thân tự tạo nên. Trong khi đó, chân lý thì thường giản đơn, dù phải trả giá bằng chút phiêu lưu mạo hiểm.
Vậy những chân lý được khái quát lại thành định luật mà tác giả John Milton Gregory đã đúc kết được trong sự nghiệp giáo dục là gì? Đó chính là:
1 .Định luật về Giảng dạy 2.Định luật về Giáo viên 3.Định luật về Học viên 4. Định luật về Ngôn ngữ 5. Định luật về Bài học6. Định luật về Quy trình Giảng dạy7. Định luật về Quy trình Học tập8.Định luật về Ôn tập và áp dụng (hóa ra là 8 định luật nhưng tôi thấy bìa sách ghi 7- có lẽ đây là một trò đùa hài hước hoặc một món quà bất ngờ theo kiểu mua 7 tặng 1 dành cho độc giả).
Sách dày 143, rất ngắn gọn nhưng không vì thế mà sơ sài. Tôi thấy cách hành văn của tác giả khá trang trọng, đôi chỗ không chỉ bản về giáo dục mà còn liên tưởng đến những phạm trù mang tính triết học về con người (hoặc cũng có thể tôi nhầm, muốn biết tôi nhầm hay không thì bạn có thể đọc sách để tự kiểm chứng).
Điểm tôi thích nhất ở cuốn sách này là sự gọn nhẹ. Như đã chia sẻ ở trên, bạn không thể mang tất cả lý thuyết vào trong việc thực hành cũng giống nhưng một người lính không thể mang hết tất cả các loại vũ khí ra chiến trường được. Bởi sự cồng kềnh, nặng nề sẽ bào mòn thể lực của anh ta và biến anh ta thành một mục tiêu lý tưởng cho các cuộc tập kích- khi bị tập kích, anh ta có thể chết trong lúc suy nghĩ xem nên sử dụng vũ khí nào mà không thực sự có cơ hội dùng chúng.
Cá nhân tôi chưa thể khẳng định đây là một tác phẩm kinh điển, nhưng nếu được viết ra bởi trải nghiệm thực của tác giả, được ứng dụng rộng rãi cho đến ngày nay, thì gọi bằng cái tên nào cũng khó có thể phủ nhận tính đúng đắn và sự hữu ích mà “7 Định luật giảng dạy” mang lại.
Tôi xin được chia sẻ những ấn tượng của tôi về các định luật này. Nhưng nếu có thời gian và đang theo nghiệp giáo dục, thì bạn nên sắp xếp thời gian để đọc sách.
Định luật về Giảng dạy
Nếu đọc phần mở đầu, bạn sẽ nhận ra đây là cánh cửa dẫn tới 7 định luật giảng dạy. Có thể xem đây là tổng thể những điều tác giả ngộ ra: việc giảng dạy cần tuân theo các định luật nếu muốn mang tới hiệu quả (xin bạn đọc lưu ý định luật và lý thuyết không giống nhau). Định luật không gò bó người tuân theo nó, mà thường thử thách và ban thưởng xứng đáng. Thậm chí nếu biết vận dụng các định luật, thì người giảng dạy có thể tiếp cận với một sự tự do lớn lao trong tư duy và phương pháp (nhưng nhìn bề ngoài có thể giống như họ không theo tư duy và phương pháp nào)- sự khác biệt giữa không biết gì và không gì là không biết đôi khi khá mong manh, mà có lẽ chỉ những con người từng trải mới hiểu được.
Những định luật ấy được tóm tắt như sau:
Giáo viên phải là người biết bài học hay chân lý, hay nghệ thuật cần được dạy.
Học viên là người tham dự với sự quan tâm đến bài học.
Ngôn ngữ được sử dụng giữa giáo viên và học viên phải thông dụng đối với cả hai.
Bài học phải có thể giảng giải được trong giới hạn của chân lý đã được học viên biết- những điều không biết phải được giải thích bằng những phương tiện của những điều đã biết.
Việc giảng dạy là khơi dậy và sử dụng tâm trí của học viên để nắm được ý niệm muốn biết hoặc để thấu hiểu nghệ thuật muốn được học.
Học là suy nghĩ một ý tưởng hay chân lý mới mẻ bằng sự hiểu biết riêng của một người, hoặc làm theo một nghệ thuật hay kĩ năng mới bằng thói quen của họ.
Việc kiểm tra và chứng thực của công tác giảng dạy được thực hiện – quy trình hoàn tất và kết luận – phải là ôn lại, tư duy lại, tái nhận biết, tái hiện, đồng thời áp dụng những tư liệu, những kiến thức đã được dạy cùng những ý tưởng và nghệ thuật đã được truyền đạt.
(Trang 8, 9)
Tự nghiệm về định luật
Soi chiếu những định luật này vào hoạt động giảng dạy thực tế của bản thân, tôi thu nhận thêm được những kinh nghiệm khá hữu dụng.
Ở định luật số 1, hầu hết giáo viên (bao gồm cả tôi) đôi lúc nghĩ rằng mình hiểu kiến thức đang truyền đạt. Nhưng sự thực là không phải lúc nào cũng vậy: chúng ta ghi nhớ kiến thức nhưng chưa chắc đã hiểu kiến thức. Nếu hiểu kiến thức thì người giáo viên sẽ thường xuyên khuyến khích học viên của mình đặt câu hỏi để đào sâu bản chất vấn đề. Còn nếu chỉ nhớ thì người giáo viên sẽ thích dạy theo giáo án, ngăn nắp, suôn sẻ và càng ít câu hỏi càng tốt. Cá nhân tôi nghĩ rằng trong tình huống này nên bổ sung thêm “Định luật can đảm trả lời: thầy/cô không biết”. Nếu giáo viên không biết điều gì đó thì nên vui vẻ thừa nhận với học sinh rồi cùng nhau tìm hướng học tập thay vì dùng quyền uy lấn át các em.
Ngày nay, với chiếc điện thoại thông minh, học sinh hoàn toàn có thể biết nhiều hơn và có khả năng kiểm chứng câu trả lời của giáo viên chỉ với vài thao tác đơn giản. Nhưng các em cần ai đó thực sự hiểu và biết cách diễn giải, vận dụng những thông tin ấy vào đời sống. Đó là lý do tại sao các em cần giáo viên thành thực thay vì giáo viên “biết tuốt” hay giáo viên AI (Trí tuệ nhân tạo).
Định luật số 2 là nan đề của giáo dục hiện đại. Vì không phải bạn học sinh nào cũng thích đến trường và có thể duy trì sự tập trung, hứng thú với việc học lên đến 8 tiếng một ngày. Ngoài ra, năng lực tập trung của các em đã bị thoái hóa đáng kể trong thời đại số với những màn giải trí hấp dẫn, lãng xẹt với các nội dung ngắn (khoảng 30 giây đến 90 giây) trên các thiết bị công nghệ. Giữ cho học sinh tập trung là điều không hề dễ dàng. Nếu thương các giáo viên và con em của mình, thì cha mẹ nên hạn chế việc sử dụng công nghệ của con em. Vì lạm dụng công nghệ sẽ khiến một số chức năng của não bộ bị tiêu giảm, đặc biệt là khả năng tập trung và tư duy sâu. Nếu bộ não trục trặc, việc học của con người sẽ đình trệ.
Định luật số 3 và số 4 là điều đôi tôi thấy còn vướng mắc. Tôi thường trò chuyện với các em học sinh của mình như người lớn. Mục đích của tôi khi làm vậy là bày tỏ sự tôn trọng các em và có thể trao đổi với các em những điều mà các em nên biết trước khi trở thành người lớn (dĩ nhiên phong cách này sẽ đối lập với tư duy “nó còn bé thì biết gì?”). Điều khó khăn ở đây là đôi lúc chúng tôi sẽ đến những lĩnh vực hơi xa xôi so với đời sống trước mắt của các em.
Ví dụ như trong đầu một bạn học sinh đang nghĩ đến việc đi lượn phố, sốt ruột đợi cú điện thoại giao hàng từ shipper hay muốn mua một thứ gì đó không quan tâm đến giá cả (vì bạn không phải người trả giá) thì tôi lại nói với bạn về mục tiêu sống, ý thức cho – nhận và sự độc lập, thói quen quản lý tiền bạc. Do đó, tôi vẫn đang trên hành trình cố gắng sàng lọc ngôn ngữ sao cho thật đơn giản, dễ hiểu, liên hệ những điều các em chưa biết với điều đã biết để chuyện trò cùng các em
Định luật số 5 và 6 thì tôi đã tự giác tuân theo kể từ trước khi biết đến chúng. Bản năng này có lẽ đã được các thầy cô giáo yêu nghề tôi từng theo học, các cuốn sách tôi từng đọc từ các tác giả bậc thầy truyền lại như: Frank McCourt, Rousseau, John Dewey, Howard Gardner, Rudolf Steiner, Fukuzawa Yukichi, Kimura Kyuichi, Quỷ Cốc Tử, Khổng Tử, Lão Tử, Krishnamurti, Osho, Carl Rogers, Randy Pausch, Peter Filene, Thomas Gordon, Rafe Esquith, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Đạo Thúy, Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong, Nguyên Phong, Alan Phan, Phan Văn Trường, Giản Tư Trung, Lê Nguyên Phương. Xin lưu ý, tôi liệt kê tên các vị không phải để khoe khoang mình đọc nhiều, mà để độc giả quan tâm đến giáo dục mà chưa biết nên tìm đọc sách của tác giả nào thì có thể tham khảo.
Tôi đánh giá cao sự khác biệt, độc đáo của mỗi cá thể. Vậy nên tôi đi theo định hướng giáo dục cá nhân hóa- hình thức giáo dục mà tôi tin là giáo dục đúng nghĩa và không áp đặt, ràng buộc bởi thi cử rồi thi cử xong thì lại bị ràng buộc bởi thành tích, gây ra cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho cả người dạy lẫn người học.
Tôi cũng hoàn toàn tán đồng với định luật số 7. “Văn ôn võ luyện” là điều tôi vẫn thường áp dụng trước hết là đối với chính mình (nếu được bổ sung, tôi sẽ lại thêm “Định luật nêu gương” vào nữa). Nếu muốn giáo dục thì bản thân người làm giáo dục cần nhận được sự tin cậy, mến phục của người được giáo dục. Nếu bản thân người giảng dạy không thực hành, củng cố thường xuyên thì khó có thể trách học trò học tập hời hợt, thiếu ý thức tự giác. Với tôi, trong bộ ba “Chân – Thiện – Mỹ” thì cái Chân (thực) luôn là điều đầu tiên mà các nhà giáo nên lưu tâm.
Thay cho lời kết
“7 Định luật giảng dạy” là một hành trình thú vị với tôi. Ngôn ngữ sách khá cô đọng, dung lượng ngắn nhưng không vì thế tôi đánh giá đây là một cuốn sách dễ đọc. Có những chỗ tôi chưa hiểu hết nên tôi sẽ cần đọc lại để hiểu rõ hơn. Tôi viết review sách trước hết là cho chính mình, nên sẽ chưa mang lại đầy đủ thông tin như bạn đọc kỳ vọng. Dù vậy, nếu bạn đã đọc đến đây thì tôi vui vì bạn đã dành thời gian chia sẻ cùng tôi những cảm nhận về sách.Ngoài giáo viên, các nhà đào tạo thì tôi tin đọc cuốn sách này cũng sẽ mang lại rất nhiều lợi lạc cho các bậc cha mẹ trên hành trình giáo dục con. Nuôi con là bản năng, nhưng nếu dạy con theo bản năng thì rất có thể nhiều bậc cha mẹ sẽ tiếc nuối. Vì cảm giác nuôi người lâu nhưng thực tế đứa trẻ lại lớn rất nhanh: cô bé, cậu bé ngây thơ, đáng yêu được chiều chuộng rất có thể trở nên hỗn láo, ích kỷ từ lúc nào cha mẹ không biết. “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên” là lời dặn dò sáng suốt của Bác Hồ mà tôi xin được nhắc lại.
Trong giáo dục, tôi tin giữa lý thuyết và thực hành cần có sự tương hỗ lẫn nhau. Với một số người thì lý thuyết sẽ mở đường cho thực hành và một vài người còn lại thì thực hành rồi mới tìm hiểu lý thuyết. Không có gì là sai trái ở đây nếu hành động đó mang lại kết quả chung cuộc tốt đẹp: cha mẹ - con cái, giáo viên – học sinh hài lòng, hạnh phúc.
Nguyenphuhoang Nam
0 comments: