Sunday, December 15, 2024

Sách “Bửu Sơn Kỳ Hương” – Ngẫm về nhân sinh trong trời đất

1.
Câu chuyện xảy ra cách đây 200 năm ở miền Tây và Nam Kỳ vào cuối những năm 1700, đầu những năm 1800 (cuối thế kỷ 18 đến thế kỷ 19) với nhiều cuộc binh biến nổi dậy, tình hình chính trị rối ren, lúc chữ quốc ngữ đang bắt đầu truyền bá vào Việt Nam bởi các giáo sĩ người Bồ, sau cuộc binh biến Tây Sơn và việc bài trừ Thiên chúa giáo đang diễn ra gay gắt. Đây cũng là thời điểm Phật thầy Tây An (Phật Ngồi) xuất hiện và sau đó lập nên phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Lâu rồi mình mới đọc được một cuốn sách hay như vậy vì khiến mình đọc liền một mạch. Nhẹ nhàng nhưng cũng hồi hộp, cũng bom đạn rần rần, nước mắt nước mũi tùm lum, cùng cười cùng khóc, cùng nổi da gà qua từng trang sách. Hay thật sự!
Sách “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Ảnh: Lê Diễm Diễm
Mình thấy cái hay của Lý Lan nằm ở chỗ, có những người, những mối quan hệ tưởng chừng chẳng liên quan gì nhau, như những mảnh ghép rời rạc không liên hệ gì, nhưng đằng sau đó là cả một mối dây ràng đã sẵn sàng níu họ vào chung một đoạn đường, rối rắm và vi diệu như cách tạo hoá đã dựng xây nên thế giới này. Câu chuyện nói về Phật Thầy mà lại chẳng nói về Phật Thầy, như thể mở ra bức tranh lớn hơn về bối cảnh xã hội chính trị đang lúc bão bùng thời kỳ đó, để người ta quay về thực hiện tốt đạo làm người và sống đúng với tôn chỉ đó.
Một điểm nữa mình thấy rất thú vị, đó là tất cả các nhân vật trong “Bửu Sơn Kỳ Hương” ai cũng đều là nhân vật chính dù họ chỉ là những người vô danh hay là người có ảnh hưởng đến xã hội. Từ một chị Hai điên không ai biết từ đâu tới, từ một anh Bình làm công cho Phước Xuân Đường, một chị bán khoai nào đó ở chợ, đến một cậu thanh niên Vĩnh Xương, thầy Tịnh, đến cậu bé đẻ rớt trôi sông năm nào cũng vặn mình trở thành Vĩnh Long có sức ảnh hưởng đến đại cuộc. Tất cả các nhân vật hiện lên rõ ràng, dù họ có được nhắc đến nhiều hay không thì họ vẫn là nhân vật chính trong cuộc đời của họ. Đó chính là cuộc đời.
Trong tác phẩm này, Lý Lan đóng vai người kể chuyện, thủ thỉ thù thì, chẳng phân ai sang ai hèn, ai ác ai hiền, chẳng bênh vực ai cũng chẳng ngợi ca ai mà chỉ để các nhân vật tự nhận xét lẫn nhau. Bà chỉ đóng vai người kể, không phân biệt ai đang nói, cứ một mạch tuôn chảy theo từng câu chữ như dòng thác bất tận.
2.
Câu chuyện để lại cho mình nhiều cảm xúc, như thể mình đang sống trong bối cảnh đó, như cuốn phim tái hiện đời sống của những người dân lục tỉnh, loạn lạc, thất lạc nhau, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống giữa cuộc đời luôn nơm nớp lo sợ giữ cái mạng trước tiên. Dù sống giữa thời loạn lạc nhưng họ vẫn hết lòng hướng Phật. Có lẽ, giữa thế cuộc rối ren, người ta chẳng biết bám víu vào đâu nên chỉ còn một con đường duy nhất là nương nhờ Phật pháp. Để rồi, những con người đơn giản, nồng hậu, ấm áp ấy luôn sẵn sàng sẻ chia cho nhau, nương tựa nhau mà sống.
Trước giờ mình nghĩ là thời buổi này loạn lạc nên việc có gia đình sinh con sẽ khó khăn lắm. Nhưng cuốn sách này là những người phụ nữ sống trong thời chiến, con không biết cha, con phải xa mẹ, anh em không biết mặt nhau, quá đau lòng. Nhưng rồi người ta vẫn sinh con, vẫn sống, đứa nào sống thì sống, đứa nào không quá được thì chấp nhận. Có lẽ càng chiến tranh thì người ta càng không muốn tuyệt tự và họ đã sống hết mình vì đời sống của họ. Điều này làm mình suy nghĩ lại về việc lập gia đình của mình và rất nhiều vấn đề sâu xa hơn trong xã hội cũng như góc nhìn tâm linh.

Thân phận con người giữa cuộc đời lênh đênh nhiều biến động
Một điều khiến mình ám ảnh nữa là cuộc đời họ lênh đênh như chiếc lá trên sông, không biết đi đâu về đâu. Nay tính hôm nay chứ không lo xa ngày mai. Họ cũng có lý tưởng, có ước vọng nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Rồi cuộc đời đưa đẩy, người này gặp người kia, chuyện này dính chuyện kia, rồi sống nay chết mai cũng không ai biết. Nên rốt cuộc, họ chọn sống hết mình, hoặc an phận làm chiếc lá trôi sông… Những con người vô danh và dường như vô định ở cõi đời. Họ chẳng nghĩ đâu xa xôi, hôm nay mở mắt ra còn sống là được.
“Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu”.

Câu thơ này khiến mình ngẫm lại thời cuộc tại thế, những thứ sắp xảy ra, những chuyển biến chấn động sơn hà sắp tới, những gì con người đã và đang làm. Ôi! Mình thấy buồn, thấy thương mình và thương cả những con người chưa hay biết gì nên vẫn còn lầm lạc. Cuốn sách như một lời nhắc để mình sống trọn vẹn hơn mỗi ngày, để mình rốt ráo tìm về nương tựa chính chân tâm mình.
“Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Có chữ rằng vạn cảnh như không
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi”.

Có một câu nói của Phật Thầy làm mình nhớ mãi:

“Không biết nhau mà như biết nhau. Không ơn nhau mà như ơn nhau. Có duyên thì gặp lại, không gặp lại cũng không sao”.


Và suy ngẫm của một nhân vật về câu nói ấy của Phật Ngồi:
“Gặp nhau, quen nhau, ơn nhau, rồi lạc nhau, tìm nhau, gặp nhau rồi lạc nhau, lại tìm nhau. Đó chẳng phải cuộc đời sao, những vòng xoắn vô tận hợp tan, như Phật Ngồi từng nói. Tìm nhau là đã lạc nhau, gặp nhau là sắp xa nhau…”

Những câu thơ của Nguyễn Du trong “Văn tế thập loại chúng sinh” cũng làm mình thấy nổi da gà xúc động:
“Trong trường dạ tối tăm trời đất
Có khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương khói đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen
Có chi ai quý ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu.”

Bỗng nhớ đến mấy câu thơ trong một bài thơ mình làm hồi tháng bảy:
“Chiếc lá úa chao nghiêng rồi chạm đất
Tựa kiếp người trôi nổi chốn phù du.
Lòng tự hỏi điều chi ta vụt mất,
Giữa cõi nhân gian, hiu quạnh mịt mù?”

Đôi lúc mình thấy sự mông lung vô định của kiếp người. Đôi lúc mình thấy con đường mình sáng rõ, thẳng tắp bon bon. Cũng chỉ là vô thường, mình nương theo đó mà phản hồi.
Và rồi, chúng ta đang sống, với tình yêu và hy vọng.
“Bửu Sơn Kỳ Hương” của Lý Lan không nhấn mạnh về sự thành lập của một giáo phái mà tựa như ngầm nhắc về sự nương tựa cuối cùng của con người giữa thời giặc giã biến loạn, giữa lịch sử ngổn ngang để họ sống và hy vọng. Mong bạn cũng lạc vào không gian văn chương sống động này và ngẫm được nhiều điều thú vị để có thêm những bài học triết lý sâu sắc cho mình.
Và rồi, chúng ta đang sống, với tình yêu và hy vọng.
Lê Diễm Diễm
Previous Post
Next Post

post written by:

0 comments: